27 người chết, 40 người bị thương vì mưa lũ tại miền Bắc

(Dân trí) - Trận mưa lũ lịch sử “càn quét” khắp miền Bắc từ ngày 27/7 - 3/8 đã làm thiệt mạng 27 người, hơn 40 người bị thương; nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà trong biển nước…

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, tình hình thiệt hại do mưa lũ từ ngày 1/8 đến 19h ngày 3/8/2015 như sau:

Thiệt hại về người: 11 người chết (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8); trong đó: Lai Châu: 2 người, Lạng Sơn: 2 người, Sơn La: 1 người, Bắc Giang: 1 người, Cao Bằng: 3 người, Yên Bái: 1 người, Thanh Hóa: 1 người. Người mất tích: 3 người. Người bị thương: 11 người (tăng 5 người so với báo cáo nhanh ngày 2/8).

 

1-35846

Nước lũ lên cao ngập các lán chợ thị trấn Ba chẽ - Quảng Ninh ngày 3/8 (ảnh: Thu Hằng)

Như vậy trong đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến nay, tổng cộng đã làm 27 người thiệt mạng, hơn 40 người bị thương. Ngoài ra, còn có một ngư dân tử vong và 5 ngư dân của Thanh Hóa mất tích do chìm tàu ở khu vực Quảng Ninh.

Về nhà cửa: Nhà bị sập đổ, cuốn trôi: 122 nhà (tăng 44 nhà so với báo cáo nhanh ngày 2/8); Nhà bị ngập nước: 3.666 (tăng 233 nhà so với báo cáo nhanh ngày 2/8).

Về nông nghiệp: Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại: 10.422ha; Diện tích hoa màu bị thiệt hại: 1.436ha.

Về thủy lợi: Đê điều: tại Bắc Giang: sạt lở tại các vị trí K5+800 – K6+000 đê hữu Thương (đê cấp III), K44+825 – K45+017 đê tả Cầu (đê cấp III), K3+180 – K3+660 đê hữu Lái Nghiên (dưới cấp III), K20+850 đê hữu Thương (đê cấp III), đê bối Cửa Xa (đê dưới cấp III), Sụt lún kè Chùa Xòi tương ứng K40+470 – K41+060 đê hữu Thương (đê cấp III). Tại Bắc Ninh: sạt lở tại K56+900 đê hữu Cầu (đê cấp III). Kênh mương bị thiệt hại: 11.271m; Công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng: 140 cái.

Về giao thông: Đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở: 246.049 m3 ; đường giao thông nông thôn: 36.788 m3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay (4/8), lũ của các sông ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục dâng cao.

Mực nước trên sông Thương và sông Cầu đang lên, sông Thao và sông Lục Nam đang xuống chậm, hạ lưu sông Hồng-Thái Bình đang lên. Mực nước lúc 9 giờ ngày 4 tháng 8 trên sông Lục Nam tại Lục Nam: 6,17m (dưới mức BĐ 3: 0,13m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương: 6,50m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Thao tại Yên Bái: 30,97m (ở mức BĐ 2); trên sông Cầu tại Đáp Cầu: 5,29m (ở mức BĐ 2); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,10m (trên BĐ 1: 0,10m).

Đến tối nay (4/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) lên mức đỉnh 6,7m (trên mức BĐ 3: 0,4m).

Đến sáng mai (5/8), mực nước trên sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) xuống mức 6,5m (trên mức BĐ 3: 0,2m); trên sông Lục Nam (tại Lục Nam) xuống mức 6,0m (dưới mức BĐ 3: 0,3m); trên sông Cầu (tại Đáp Cầu) lên mức 5,7m (trên BĐ 2: 0,4m); trên sông Thao (tại Yên Bái) xuống mức 30,3m (trên BĐ 1: 0,3m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 4,4m (trên BĐ 1: 0,4m).

Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối; ngập lụt đô thị như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Nguyễn Dương