1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

25 năm dùng đèn điện như... đèn dầu!

(Dân trí) - Tối tối, người trong xóm thường ra sân hóng, hít khí trời. Họ nhìn ra phía trụ sở UBND huyện, xe cộ chạy rầm rập, đèn rọi sáng cả vùng trời; rồi họ nhìn những bóng đèn dầu tù mù trong nhà mà ngao ngán thở dài... Họ đang sống dưới đường điện nhưng vẫn phải dùng... đèn dầu thắp sáng.

Một cây cột điện bằng sắt với đường dây điện được móc nối tạm bợ. Trong khi đó, hệ thống đường dây dẫn hiện vẫn là dây trần.
Một cây cột điện bằng sắt với đường dây điện được móc nối tạm bợ. Trong khi đó, hệ thống đường dây dẫn hiện vẫn là dây trần.

Mặc dù chỉ sống cách trung tâm huyện chưa quá 1km đường chim bay nhưng ước mong có nguồn điện đủ tải của hơn 300 hộ dân xóm Đồng Thanh và xóm Khe Bai (xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn, Nghệ An) suốt 25 năm qua dường như vẫn quá khó khăn.

Có điện cũng như không!

Từ đoạn đường đất sau lưng khu Trung tâm hành chính huyện Nghĩa Đàn dẫn về hai xóm dài chưa đến 1 km gây ấn tượng bằng những đường dây điện uốn lượn trên những chân cột xiêu vẹo chìm ẩn trong lớp sương đêm. Những mái nhà dặt dẹo nằm rải rác dưới chân đồi càng trở nên thưa thớt hơn khi chỉ thấy leo lét vài đốm sáng mù mờ của ánh đèn dầu.

Anh Cao Xuân Hoàng, xóm Đồng Thanh thở dài: “Nói ra thì người ta bảo tôi nói điêu chứ ở ngay vùng trung tâm nhưng lại phải ăn cơm bằng đèn dầu. Tính từ nhà tôi ra trụ sở UBND huyện Nghĩa Đàn hay UBND xã Nghĩa Hội chỉ đủ thời gian cho tôi hút hết một điếu thuốc. Vậy mà suốt 25 năm nay kể từ khi kéo điện lưới về, bà con 2 xóm chúng tôi chưa một lần nào ăn cơm tối mà không phải thắp đèn dầu”.

Bữa cơm bên ánh đèn pin tù mù.
Bữa cơm bên ánh đèn pin tù mù.

Ông Hoàng trình bày tiếp: “Anh chị không tin thì cứ đi ra đường mà xem, có nhà nào có ánh sáng lọt ra đến sân đâu! Điện đóm gì mà đến cả cái bóng đèn không sáng hơn được mấy con đom đóm ngoài đường. Đèn thắp sáng thì cứ nháy nháy chớp chớp. Nhiều nhà có điều kiện mua sắm ti vi, tủ lạnh thì cũng chỉ đưa về mà trưng bày cho có chứ có dùng thì chỉ được mấy hôm rồi lại đem đi sửa vì điện áp không đủ tải”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhàn (43 tuổi) góp chuyện bằng những chiếc bóng đèn bị cháy lôi từ trong góc nhà: “Xóm này nhà nào cũng có cả mớ bóng đèn cháy này đấy. Nhà tôi thì chỉ lắp vào cái đèn bàn cho em nó lấy ánh sáng học bài nhưng điện yếu nên bị cháy liên tục. Điện với chả đóm, có mà lại chẳng dùng được! Trong khi đó, từ ngày kéo điện về xóm, các hộ đều phải chịu chi phí đường dây, công tơ và cột trụ”.

Đất bỏ hoang vì không điện

Nhiều diện tích đất của bà con 2 xóm Đồng Thanh và Khe Bai luôn phải bỏ hoang do không có điện để chạy tải máy bơm nước. Nhất là trong vụ hè thu, không ít những lần bà con buộc phải thả trâu bò ăn lúa vì lý do thiếu nước, cây lúa không thể trổ đòng được.

“Xóm có kênh thủy lợi nước chảy dư thừa, giếng của bà con luôn đầy ắp nhưng sức đâu mà xách từng gàu nước cho cả sào đất được? “Có điện, máy bơm nước hoạt động sẽ trải màu xanh của rau từ đầu đến cuối xóm. Chúng tôi đã nghĩ cách sản xuất, nhưng không có điện đành bó tay. Đất vườn xung quanh nhà rộng mênh mông nhưng đành bỏ hoang. Thấy mà tiếc!”, một người dân bộc bạch.

Mặc dù có nồi cơm điện nhưng những người dân nơi đây vẫn phải nấu cơm bằng bếp củi.
Mặc dù có nồi cơm điện nhưng những người dân nơi đây vẫn phải nấu cơm bằng bếp củi.

Cũng theo những người dân trong vùng, khu vực đất đang để hoang phía sau lưng trụ sở huyện đều đã được chia lô bán để xây nhà. Nhưng vì lý do đường tải điện quá yếu nên các chủ đất còn chần chừ chưa xây nhà. Chứ không thì khu đất đó bây giờ nhà tầng mọc chen chúc nhau rồi

Trả lời phóng viên về vấn đề “bao giờ người dân sẽ được dùng nguồn cấp điện đảm bảo?”, chiều 24/1, ông Đậu Khắc Long - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho PV Dân trí - biết: “Vấn đề điện ở hai xóm nói trên đã có trạm điện, ra Tết bên ngành điện họ sẽ làm và điện sẽ ổn hơn”.

Đường dây điện bắt nối tạm bợ của 1 hộ gia đình.
Đường dây điện bắt nối tạm bợ của 1 hộ gia đình.

Còn ông Phạm Tuấn Sơn - Chánh văn phòng UBND huyện Nghĩa Đàn thừa nhận có tình trạng nguồn cấp điện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân ở một số địa phương.

“Hiện chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tới các đơn vị hữu quan, trong đó có điện lực Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, do đang trong quá trình triển khai dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng trên toàn huyện nên không thể đáp ứng ngay nguyện vọng của bà con”.

Trong thời gian chờ đợi đơn vị cung cấp có biện pháp giải quyết thì hơn 300 hộ dân nơi đây vẫn phải chấp nhận cảnh sống trong ánh sáng đèn dầu và mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất đều bị hạn chế. Mong các cơ quan hữu quan nhanh chóng có biện pháp khắc phục tình trạng trên để người dân được sử dụng nguồn điện đảm bảo và an toàn.

Thuỷ Lợi - Nguyễn Duy