1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

16.000 ngày đêm mong con

Bảy người con bị bom đạn chiến tranh cướp mất, trong đó có ba người là liệt sĩ. Ngày xưa từng đêm mẹ thắp đèn canh giặc cho con mình và đồng đội. Giờ mẹ thắp đèn từng đêm ngóng con dù con mẹ đã hóa thân vào Tổ quốc.

Trong số ít những liệt sĩ được nhận dạng có anh Huỳnh Trinh, con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhất, thôn 6, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Năm nay mẹ đã 91 tuổi.

 

Các con đừng giấu má…

 

“Má nhớ lắm, má cứ tưởng tượng mấy đứa con về thăm má rồi lại không thấy nữa…!” - người mẹ có chín đứa con thì bảy đứa bị bom đạn cướp mất tuổi thanh xuân. Hiện ba anh chị đã được nhà nước công nhận là liệt sĩ. Gánh nặng mất mát kéo dài trong ngần ấy năm đã đè lên đôi vai mẹ, hằn sâu trên những vết chân chim nơi khóe mắt.

 

Đêm ngày 1 rạng sáng 2/1/1968, khi cùng đồng đội đánh vào quận lỵ Nghĩa Hành, anh Huỳnh Trinh - con trai mẹ đã anh dũng hy sinh. Mùa xuân năm ấy, anh vừa mới bước sang tuổi 18, cái tuổi thanh xuân tràn đầy ước mơ.

 

“Thằng Trinh xuống đồng bằng lấy gạo mấy bữa nữa mới về…” - anh em ở xã giấu mẹ, anh cán bộ liên lạc trong đơn vị cũng giấu mẹ. Nhưng bằng linh cảm của người mẹ, bà đã cảm nhận một nỗi đau đang len vào trong lòng - nỗi đau mà không ai muốn trở thành sự thật. Bởi mẹ đã mất mấy người con, chẳng lẽ bom đạn lại tiếp tục cướp đi người con thân yêu của mẹ!

 

16.000 ngày đêm mong con - 1

Mẹ hằng ngày bên di ảnh của các con.

 

“Tụi con nói thiệt cho má nghe đi, lỡ nó thương vong thì kể cho má biết chừng” - mẹ gặng hỏi nhưng chỉ nhận được những ánh mắt giấu vội. Một tuần sau ngày đánh vào trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành, đơn vị mới dám báo tin thiệt cho mẹ: “Anh Trinh hy sinh rồi. Mấy ảnh vô trỏng mà không lấy được xác. Ảnh giờ nằm lại với đồng đội”.

 

Nỗi đau xé lòng chưa nguôi thì hai đêm sau, anh em lại khiêng anh Huệ - con trai của mẹ về. Trên người anh chỉ độc chiếc quần đùi của đặc công, mảnh đạn và thương tích khắp người. Anh hy sinh khi đánh vào khu vực chợ Chùa của quận lỵ Nghĩa Hành. Đơn vị mang chôn cất vội, sau lại đào lên đưa về quê nhà, trong hốc vết thương và trên người anh còn vương đầy đất cát.

 

Anh Thuận, người con trai duy nhất còn sống, kể lại: Giữa đêm khuya, sờ vào người anh, má òa khóc. Đêm đó gia đình chôn anh trong vườn nhà. Cả ngày má lẳng lặng không nói gì, ánh mắt chết trân, bước chân của má liêu xiêu tựa như người chưa thoát khỏi cơn mơ.

 

“Nhà mẹ sáng đèn…!”

 

Xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa nằm sát dòng sông Trà. Đôi bờ, lúa, mía quanh năm xanh mơn mởn - một vùng quê quá đỗi yên bình.

 

Ngày đó, chiến tranh đã khiến làng quê này tiêu điều, xơ xác. Vùng quê này trở thành bãi thải để máy bay trút chất độc da cam chết người. Những thùng phuy chứa chất độc da cam rải rác khắp xóm, bốc mùi nghẹt thở, cay xè mắt. Hơn 35 năm, vết thương giờ vẫn chưa lành - xã Nghĩa Lâm là địa phương đứng đầu về số lượng nạn nhân da cam/dioxin của Quảng Ngãi - trên 400 người. Con số này vẫn từng ngày tăng lên.

 

Những năm chiến tranh ác liệt, địch dồn dân vào ấp chiến lược. Nhưng hàng rào, bãi mìn đều không ngăn được mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân - căn nhà của mẹ Nhất trở thành cơ sở tin cậy để anh em trên cứ về nắm tình hình và tiếp tế lương thực đưa lên cho đằng mình.

 

Khi từ trên núi Hỏa Đài xuống, anh em nhìn vào ngôi nhà nằm sát hàng rào là có thể đoán được sự bố phòng của địch. Bao đêm trường, mẹ luôn thao thức cùng ngọn đèn bên khung cửa để làm tín hiệu báo với anh em bộ đội về tình hình trong ấp. “Nhà mẹ Nhất sáng đèn” - giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, đối với các chiến sĩ cách mạng, hình bóng và việc làm của mẹ đã trở thành câu chuyện huyền thoại. Còn mẹ, khi gặp các chiến sĩ, bà thường ôm vai dặn dò, thương yêu các anh như chính những người con ruột thịt của mình.

 

16.000 ngày đêm mong con - 2
Các con mẹ cùng đồng đội trở về với màu cờ đỏ.

 

Trong những ngày bom đạn, một đại tang giáng xuống lưng mẹ - đó là cả ba đứa con đều bị chết vì một quả pháo ác nghiệt. Lúc 8 giờ sáng 9/2/1964, khi địch đang lùa nhân dân về thôn 4, chị Huỳnh Thị Biện đưa hai em là Huỳnh Thị Mân, Huỳnh Mỹ đến hầm tránh pháo. Một tiếng nổ chát chúa. Mẹ hớt hải chạy về, bước chân ngã dúi khi hàng xóm báo tin ba người con của mẹ lãnh trọn quả pháo chết hết rồi.

 

Xương thịt của ba chị em trộn lẫn vào đất đá. Cả làng đến đưa tiễn những người con của mẹ về đất lạnh trong tiếng đạn pháo đùng đùng vọng về từ núi rừng.

 

Chiến tranh ngày càng ác liệt, tất cả con trai của mẹ lớn lên đều nhất loạt cầm súng để trả thù cho quê hương và chị em. Anh Huỳnh Trinh, Huỳnh Huệ trở thành những chiến sĩ đặc công dũng cảm. Thỉnh thoảng, giữa đêm khuya, các anh lại ghé về thăm mẹ, trên người ướt đẫm sương đêm. “Ráng giải phóng rồi về luôn với má” - chị Ca, con gái mẹ, kể - “Lần nào gặp mấy ảnh, má cũng dặn dò là phải giải phóng quê nhà”.

 

Chiến tranh, mất mát nhưng lòng mẹ thật bao dung và vĩ đại khi chôn chặt nỗi đau trong lòng, tiễn các con ra trận. Mẹ đã trao cho các anh niềm tin mãnh liệt - chiến tranh nhất định rồi sẽ kết thúc.

 

Bảy người con chung một ngày giỗ

 

Đưa hài cốt của anh Trinh đã hy sinh trong trận đánh đêm ngày 1 rạng sáng 2/1/1968 về mai táng ở quê nhà, niềm vui xen lẫn nỗi đau trong lòng. Mẹ tự tay làm mâm cơm cúng, đặt lên bàn thờ đĩa tôm, đĩa cá - món ăn quen thuộc hồi các anh chị còn sống. Trên bàn thờ, những đốm nhang đỏ hoe như cặp mắt của mẹ thao thức nhớ con. Mẹ đưa bàn tay gầy guộc sờ soạng lên khuôn mặt các anh, mắt nhìn đăm đăm vào tấm di ảnh như cố tìm lại hình bóng của con. Nước mắt của mẹ giờ đã cạn khô, như con suối Lâm uốn khúc ở cạnh xóm, giữa dòng quặn lên những bãi bồi.

 

Bảy bát cơm, bảy đôi đũa, đọc tên cả bảy người con nhưng tất cả chỉ giỗ chung vào ngày 10 tháng Chạp - ngày mà cả dân tộc từng chờ mong đại thắng, ngày có nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Còn ngày 19/7 thì mẹ làm cơm giỗ chồng. Ông đã bỏ mẹ ra đi khi mới 41 tuổi, để lại mẹ một mình trên nhân gian, sớm hôm tần tảo chạy giặc, nuôi con khôn lớn từng ngày.

 

“Nó mới về phát hàng rào, thấy nó má hỏi: “Ủa, con về hồi nào?”, nó hổng nói gì hết, sáng ra lại đi mất…” - mẹ ngồi bên hiên với những câu chuyện về các anh. “Đêm nào má cũng mơ thấy các con, nỗi đau của má rất lớn, lúc nào má cũng nói anh Sáu (Huệ), anh Tám (Trinh) mày còn sống thì má đã có cháu bồng” - anh Thuận, con trai mẹ, giọng trầm ngâm.

 

Hình ảnh trong giấc mơ dội ra từ ký ức và trái tim một đời thương nhớ con của mẹ. Thắp một nén hương trước vong linh của các anh chị. Nắm đôi tay mẹ run run gầy guộc, nhìn sâu trong đôi mắt mẹ đã cạn khô, lòng tôi không khỏi tràn dâng nỗi xúc động. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng vẫn còn đó những vết thương cắt lòng mà thời gian không thể xóa nhòa.

 

Những ngày đất nước còn bom đạn, hằng đêm mẹ thao thức chờ tin các anh, thắp đèn canh đợi những đứa con trên cứ về. Đất nước giải phóng, những đoàn quân rầm rập qua làng năm xưa đã không còn. Chỉ còn mình mẹ ngày ngày ngồi đó với dòng ký ức bất tử mang hình bóng “thằng Trinh, thằng Huệ, con Biện, con Lành...”.

 

43 năm, tức gần 16.000 ngày đêm mong con. Mẹ vẫn thao thức với nỗi thương nhớ các con dù biết rằng các anh đã hóa thân vào Tổ quốc.

 

Theo Lê Văn Chương

 Pháp luật TPHCM