1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

10 năm bị xích chân dưới cây vú sữa

(Dân trí) - Ở ấp Xẻo Cao có một căn nhà lá dột nát nằm trơ trọi bên một cây vú sữa sum suê. Dưới gốc cây ấy có một lán nhỏ, trong lán, một thanh niên ngồi tư lự, chân bị xích vào cây vú sữa. Anh đã ngồi như thế hơn 10 năm nay.

Người thanh niên đó là anh Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1977), con trai của ông bà Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Thị Sáu ở ấp Xẻo Cao(Thạnh Xuân, Châu Thành A, Hậu Giang). Hai ông bà cho biết vì không có tiền chữa bệnh tâm thần cho anh nên đành xích anh vào gốc cây để chăm sóc.

 

Theo lời kể của gia đình, trước đây anh Tâm là một người rất khoẻ mạnh, bình thường như bao thanh niên khác, lại là trụ cột chính trong gia đình có 5 anh em. Năm 1998, sau một lần nhậu mừng đầy tháng đứa cháu ruột, thần kinh anh bỗng không còn minh mẫn, ăn nói lảm nhảm, không làm chủ được bản thân. Hễ có rượu vào là anh la ó, ăn nói lung tung; tỉnh rượu lại bình thường. Gia đình quyết định xích chân anh vào gốc cây vú sữa sau nhà kể từ đó đến nay. Bố mẹ dựng cho anh một cái lán để che mưa nắng.

 

Xung quanh “căn nhà” nhỏ của anh Tâm ngập ngụa rác rưởi; mùi hôi thối của phân heo, gà bốc lên nồng nặc. Do nhà quá nghèo, gia đình phải đi gom những tấm lá cũ mềm, mấy miếng nilông mục nát về che đỡ làm chỗ cho anh ở. Cái chòi anh ở trống toang hoác, nền đất ẩm thấp nhớp nháp.

 

Hơn 10 năm qua, chuyện sinh hoạt cá nhân của anh Tâm đều tại gốc cây vú sữa. Mỗi ngày, gia đình đem cơm ra 2 buổi; chuyện tắm rửa thì do người cha lo.

 

Bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ anh Tâm, cho biết: “Bây giờ hỏi chuyện gì Tâm cũng biết, người thân trong nhà và bạn bè hàng xóm anh đều nhớ rất rõ. Chỉ có mỗi chuyện là nếu ra ngoài được thì liền đi làm mướn để kiếm tiền mua rượu uống một mình chứ không hề ăn cắp, ăn trộm của ai cả. Nó rất hiền, hàng xóm ai cũng quý mến. Bệnh của nó nếu có tiền có lẽ chắc là trị được lâu rồi”.

 

Bà nấc nghẹn: “Không có tiền, vợ chồng tôi phải xích nó vào gốc cây. Ngày nào nó cũng nói cười, nghĩ mà đứt ruột nhưng không dám tháo dây xích ra chú ạ”.

 

Gia đình anh Tâm rất nghèo, không ruộng vườn. Cả ông Hoàng và bà Sáu đều bị cụt chân, tay do tham gia cách mạng. 4 chị, em gái của Tâm hiện giờ đều đi làm thuê để kiếm sống qua ngày.

 

Khi chúng tôi đến, bà Sáu vừa trải qua ca mổ bệnh sỏi mật, hoàn cảnh gia đình càng thêm túng quẫn. Ông Hoàng phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để lo tiền cho người vợ điều trị. Ông Lê Hoàng Lượng, trưởng ấp Xẻo Cao, cho chúng tôi biết gia đình anh Tâm thuộc diện nghèo của ấp. Hiện địa phương đang lập danh sách cho anh Tâm được hưởng bảo trợ xã hội.

 

Nhật Trường