1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xuất khẩu lao động không đủ tiền trả nợ

(Dân trí) - Khoảng 90% số người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về có tích lũy. Tuy nhiên, vẫn còn diễn ra tình trạng người lao động không trả được nợ vay sau khi về nước hoặc phải đối mặt với thách thức khó tìm việc làm khi trở về.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố kết quả khảo sát “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam” được thực hiện vào năm 2010 – 2011.

Khảo sát tập trung vào những người lao động đã đi làm việc ở 4 thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, phần lớn lao động sau khi về nước có việc làm ngay (80,6%), tuy nhiên chất lượng việc làm còn thấp. Đại bộ phận người lao động làm các công việc lao động giản đơn chiếm 57,3% trong tổng số lao động hiện đang có việc làm.

Theo đánh giá khảo sát, so với công việc trước khi đi xuất khẩu lao động, cơ cấu việc làm của công việc hiện tại đã có sự chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm 18,4% (từ 57,48% xuống còn 39,08%). Về cơ cấu theo hình thức việc làm, tỷ lệ lao động làm công ăn lương tăng lên gần 10% (từ 31,78% lên 40,8%). Theo vị thế việc làm, tỷ lệ lao động giản đơn giảm 13,7% (từ 71% xuống còn 57,3%).

Khảo sát cho thấy có đến 88,9% số người được hỏi khẳng định có tích lũy từ xuất khẩu lao động. Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thấp nhất là Malaysia. Cụ thể, mức tích lũy bình quân của người lao động làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, Hàn Quốc 243 triệu đồng/người, Đài Loan 145 triệu đồng/người và Malaysia 51 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, theo phần lớn người lao động số tiền tích lũy được sử dụng chủ yếu để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như: trả nợ phát sinh từ  trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động (chiếm 34,37% tổng số tiền tích lũy); xây dựng, sửa chữa nhà cửa (28,49%) và mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%). Việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79% và 3,67% tổng tiền tích lũy.

Cũng đã diễn ra tình trạng người lao động không trả được nợ vay sau khi về nước (chiếm khoảng 10% số lao động có vay nợ). Số này tập trung chủ yếu vào nhóm lao động đi làm việc tại Malaysia. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là  do về nước trước hạn hay về nước đúng hạn nhưng thường xuyên bị ngừng việc hay thiếu việc làm khi ở nước ngoài do khủng hoảng kinh tế nên không đủ tích lũy để trả nợ (chiếm 72,73% số lao động không trả được nợ vay – 100 trường hợp).
 
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như giải quyết rủi ro của gia đình nên cũng chưa có tiền để trả nợ và đáng quan tâm hơn cả là một số lao động trẻ thiếu ý thức tiết kiệm nên không có tích lũy, Cá biệt, có một số trường hợp lao động trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy do chưa có ý thức tiết kiệm trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, khảo sát đã ghi nhận những khó khăn chủ yếu của người lao động sau khi về nước găp phải: Đó là vấn đề  khó tìm việc sau khi về nước (41,72% số lao động được khảo sát gặp phải khó khăn này). Nguyên nhân cơ bản là do thiếu thông tin về việc làm và thị trường lao động; ngoài ra, một số nguyên nhân khác là thiếu vốn và kiến thức làm ăn, cũng như trình độ thấp là những rào cản để họ tìm hay tạo được một việc làm phù hợp.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, mặc dù nghiên cứu này chỉ thực hiện trên số lượng nhất định và chỉ tập trung vào 4 thị trường, nhưng kết quả của cuộc khảo sát cũng đã cho thấy bức tranh khá toàn diện về thực trạng của các lao động xuất khẩu sau khi trở về nước; giúp các nhà quản lý tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời để người lao động yên tâm khi về địa phương.

Thanh Trầm