1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thực tập để “ở luôn” doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp thu lợi khi chủ động xây dựng các chương trình thực tập cho sinh viên.

Thực tập để “ở luôn” doanh nghiệp  - 1
Thực trạng phổ biến hiện nay là sinh viên phải “tự bơi” tìm nơi thực tập.
 
Ngày 7/11, Trường ĐH Kinh tế TPHCM phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh tại Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tổ chức “Ngày hội hướng nghiệp – Hội chợ thực tập 2010”. Trên 3.000 sinh viên năm cuối chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng của các trường ĐH, CĐ tại TPHCM đến tham gia, tìm kiếm nơi thực tập.

“Tự bơi” tìm nơi thực tập

Sự tham gia đông đảo sinh viên ở ngày hội – hội chợ trên cho thấy việc tìm nơi thực tập đối với sinh viên là rất quan trọng, là cơ hội quý để phát triển nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực trạng phổ biến hiện nay là sinh viên phải “tự bơi” tìm nơi thực tập. Dù có cố gắng đến mấy, có quan hệ rộng với doanh nghiệp đến đâu, các trường cũng không thể nào giải quyết nhu cầu thực tập cho hàng ngàn sinh viên mỗi năm. Điều mà nhà trường làm được chỉ là cấp giấy giới thiệu để trống nơi cần đến, sau đó sinh viên tự đi tìm rồi ghi tên doanh nghiệp vào.

Tại Ngày hội Việc làm Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 2/10 vừa qua, hai sinh viên năm cuối khoa điện – điện tử Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Nghi cho biết đang rất lúng túng vì không thể tìm được doanh nghiệp thực tập. Hai bạn trẻ này đã gửi thư điện tử đến hàng chục doanh nghiệp nhưng không có hồi âm.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng nhà trường rất muốn sinh viên có điều kiện vào doanh nghiệp thực tập nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn cho sinh viên vào. Bản thân các trường thì không đủ lực, kinh phí để giải quyết nhu cầu này.

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, phần đông doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, chưa thực sự quan tâm đến việc liên kết với các trường để đón nhận sinh viên vào thực tập. Điều này xuất phát từ nhận thức, thói quen sử dụng lao động sẵn có trên thị trường, hơn là chủ động đầu tư của chính các doanh nghiệp.

Kênh tuyển dụng hiệu quả nhất

Thực tế cho thấy thực tập không chỉ quan trọng đối với sinh viên mà cho cả doanh nghiệp bởi thông qua hoạt động này, doanh nghiệp chủ động tuyển dụng, tìm kiếm được người giỏi cho mình. Đã có nhiều doanh nghiệp thu lợi khi chủ động xây dựng các chương trình thực tập cho sinh viên.

Điển hình là Công ty Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam. Từ hơn 10 năm nay, thông qua liên kết với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Fujitsu Việt Nam thường xuyên tổ chức cho sinh viên các ngành điện – điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin tham quan thực tập, tạo điều kiện cho họ tiếp cận công nghệ, làm quen môi trường làm việc.

Từ hoạt động này, đã có trên 200 sinh viên được doanh nghiệp giữ lại làm việc và nhiều người trong số này đang nắm giữ các vị trí quản lý quan trọng.

Công ty Kiểm toán Deloitte mỗi năm thu nhận hơn 50 sinh viên các chuyên ngành kiểm toán, tư vấn thuế vào thực tập, trong đó 80% - 85% sinh viên được tuyển dụng sau khi ra trường.

Hằng năm, Sacombank tuyển dụng khoảng 1.000 – 1.500 nhân viên, trong đó khoảng 85% sinh viên vừa ra trường và phần đông trong số này đều trải qua giai đoạn thực tập từ hội sở chính và các chi nhánh.

Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Trưởng Phòng Nhân sự Sacombank, cho biết Sacombank đang đưa ra hai chương trình thực tập viên tiềm năng và thực tập thường với nhu cầu 600 sinh viên để sau đó chọn ra khoảng 200 – 300 sinh viên.

Theo bà Tố Uyên, khi được chọn vào chương trình thực tập viên tiềm năng, sinh viên nắm chắc 50% cơ hội được tuyển dụng; 50% còn lại phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, thái độ, sự cầu tiến của sinh viên thể hiện trong quá trình thực tập.

Cần nhân rộng

Thay vì tuyển dụng bên ngoài, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Thăng Long (Hà Nội) chọn hướng đi bằng cách thu nhận 30 sinh viên vào thực tập để chọn ra 5 người tốt nhất giữ lại.

Ông Nguyễn Trần Quốc Ánh, Trưởng Phòng Kinh doanh, đúc kết: Quá trình thực tập sẽ giúp doanh nghiệp tìm thấy nhân tài, đỡ tốn công sức, chi phí đào tạo lại và hiệu quả hơn nhiều so với tuyển dụng bên ngoài.

Mô hình, các chương trình thực tập; đưa sinh viên vào nhà máy, xí nghiệp mà các doanh nghiệp đang triển khai như nói trên rất cần được nhân rộng.

Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, ví von: doanh nghiệp là con thuyền chở ước mơ và hoài bão cho sinh viên. Sự nghiệp của sinh viên bắt đầu từ giai đoạn thực tập.

Ông nói: “Trách nhiệm của doanh nghiệp là hợp tác với các trường để tạo điều kiện cho họ phát triển nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ tăng cường việc liên kết với các trường, thu nhận sinh viên từ năm thứ hai, thứ ba chứ không chỉ sinh viên năm cuối”.

Giúp sinh viên thích nghi việc làm

Tại một ngày hội nghề nghiệp do Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) phối hợp với Tập đoàn Hoa Sen tổ chức mới đây, nhiều sinh viên cho rằng có không ít doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực tập chỉ để sử dụng vào việc... bưng bê trà nước, làm việc vặt.

Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán công chứng Anh tại Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp trong nước nên tham khảo cách làm của các doanh nghiệp nước ngoài về xây dựng mô hình, chương trình thực tập.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực kiểm toán, một số doanh nghiệp như Ernst & Young, KPMG, Deloitte... đều tổ chức quy trình thực tập rất chặt chẽ. Nhờ vậy, sinh viên tiếp cận được kiến thức mới, hiểu biết thực tế rộng hơn, thêm tự tin và dễ dàng thích nghi công việc sau khi ra trường.

 
Theo Duy Quốc
NLĐ