1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tân kỹ sư, cử nhân: Bao giờ Doanh nghiệp hết chê?

Sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là thực tế tồn tại nhiều năm nay. Nhiều người cho rằng: Đã đến lúc các trường ĐH cần xắn tay giải quyết bài toán này!

 “Chúng tôi đã tin tưởng nhận những cử nhân loại khá ngành kinh tế về làm việc, nhưng sau hơn 2 tháng thử việc chúng tôi thật sự thất vọng vì ngay cả việc tính toán đơn giản trên máy tính các bạn cũng làm không xong”, bà Vũ Thị Nguyệt Viên, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn, nói về thực trạng tuyển người hiện nay. Khó khăn về chất lượng nguồn ứng viên thấp cũng là thực tế chung của hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM.

 

Chỉ 5% sinh viên đạt yêu cầu tuyển dụng

 

Nhiều DN tại TPHCM đưa ra con số rất đáng quan tâm về kết quả tuyển dụng. Trong số 100 hồ sơ dự tuyển vào Công ty Paragon Solutions Việt Nam chỉ tuyển được 5 người, chiếm 5%. Công ty này cần tuyển 30 người nhưng từ tháng 4-2005 đến nay chỉ tuyển được 22. Khoảng 60 DN về công nghệ thông tin (CNTT) ở Công viên Phần mềm Quang Trung cũng đang khát nhân lực nhưng tuyển không đủ. Không chỉ ngành CNTT, các ngành dệt may, quản lý nhân sự, tài chính... cũng không tuyển được người.

 

Các vị trí thư ký giám đốc, kế toán, quản lý nhân sự do Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn rao tuyển sau nhiều lần nhận người vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc. Công ty Paragon Solutions Việt Nam đánh giá về chất lượng nhân lực sau tốt nghiệp ĐH như sau: 85% tân kỹ sư yếu ngoại ngữ, 93% thiếu khả năng làm việc thực tế, 85% được đào tạo không căn bản, 100% không được tiếp cận với công nghệ mới của ngành được đào tạo.

 

Nặng lý thuyết, ít thực hành

 

Đứng trước thực tế này, nhiều DN đã “hạ chuẩn” tuyển người. Nhưng với họ đó chỉ là giải pháp tạm thời. Theo ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung, một trong những nguyên nhân làm cho sinh viên không đạt chuẩn về chất lượng là người đi học chỉ chăm chăm vào các kiến thức trong sách vở mà không hay biết xã hội đang vận động như thế nào.

 

Về lĩnh vực CNTT, không thể không cập nhật vì kiến thức biến đổi rất nhanh chóng. Ông Dũng nhấn mạnh: Muốn trò giỏi trước tiên thầy phải giỏi. Trước hết, các trường ĐH phải đầu tư cho đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Vấn đề này cần phải làm ngay và làm một cách có hệ thống, có chuẩn mực, không được chắp vá.

 

Mời DN tham gia vào quá trình đào tạo

 

Theo đánh giá của ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Paragon Solutions Việt Nam, tân kỹ sư và cử nhân được ra lò từ các trường ĐH trong nước yếu nhất là về thực hành công nghệ và ngoại ngữ. Tại công ty này, sau khi được tái đào tạo 6 tháng, nhà tuyển dụng đã có thể hài lòng về chất lượng làm việc và khả năng phát triển nghề nghiệp của sinh viên.

 

Theo ông Phương, để nâng cao chất lượng giáo dục, các trường ĐH phải thay đổi về giáo trình dạy học, bỏ những phần không cần thiết, đưa công nghệ và xu hướng công nghệ mới vào giảng dạy. Trước mắt, nếu không có đội ngũ chuyên giảng dạy về công nghệ, nhà trường cần phối hợp với nhà tuyển dụng về việc này. Ông Phương cũng đề nghị các trường ĐH Việt Nam mở rộng liên kết đào tạo quốc tế và mời những chuyên gia của nước ngoài về giảng dạy trong những lĩnh vực mới như thiết kế chip, bo mạch...

 

Theo Mỹ Dung

Người Lao Động