1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tai nạn trên đường đi làm có phải tai nạn lao động?

Ông Ma Văn Giỏi công tác tại Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ngày 11/6/2014, ông bị ngã trên đường đi làm, được đưa đến bệnh viện, bác sĩ kết luận ông Giỏi bị chấn thương phần mềm và cho ra viện.

Trường hợp của ông Giỏi đã được Tổ trưởng báo cáo lên Xí nghiệp nhưng không nhận được ý kiến về việc lập biên bản hiện trường. Khi ông Giỏi đi khám lại thì được chẩn đoán rạn đầu xương cánh tay, được nghỉ làm 2 tuần hưởng BHXH. Ngày 24/6/2014, ông đến khám tại bệnh viện, và được kết luận ông bị dập tủy đầu xương trên cánh tay phải, dập điểm bám gân cơ trên và dưới vai phải. Quá trình điều trị thuốc không có tiến triển nên ngày 31/3/2015, bệnh viện yêu cầu ông nhập viện để phẫu thuật.

Từ khi ông Giỏi bị tai nạn đến nay, Xí nghiệp không hướng dẫn ông làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn và cũng chưa thanh toán tiền nghỉ hưởng BHXH từ năm 2014.

Ông Giỏi đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, trường hợp của ông có được coi là tai nạn lao động không? Nếu là tai nạn lao động thì ông cần những giấy tờ gì để hưởng chế độ? Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp này như thế nào? Xí nghiệp không chi trả tiền nghỉ ốm từ năm 2014 cho ông có đúng không? Việc Xí nghiệp trả lời do vụ việc từ năm trước nên đến năm nay không giải quyết có đúng quy định không?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ông Giỏi như sau:

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21/5/2012 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động thì vụ tai nạn của ông Giỏi phải được Chi nhánh Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Gia Lâm thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Hà Nội thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để điều tra, xem xét tính hợp lý về thời gian, địa điểm để kết luận vụ tai nạn đó có được coi là tai nạn lao động hay không.

Trong trường hợp vụ tai nạn của ông Giỏi được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở kết luận là tai nạn lao động thì Công ty phải có trách nhiệm trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2/2/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Lập hồ sơ làm đề nghị cơ quan bảo hiểm giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Điều 114 Luật BHXH.

Việc người sử dụng lao động trả lời do vụ việc từ năm trước nên đến nay không giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với ông Giỏi theo các quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn