1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rắc rối khi nhân viên là người nhà

(Dân trí) - Đừng tưởng đã là người thân trong gia đình thì muốn làm gì cũng được. Nếu bạn là sếp, và bạn có những nhân viên có sợi dây ruột thịt, hãy học trước những rắc rối sau.

Rắc rối

 

- Bạn đừng nghĩ đã là người thân trong gia đình thì dễ nói chuyện. Đôi khi vì là người thân trong gia đình, nên mọi người hay cả nể nhau, cho qua những sai lầm khuyết điểm, không dám nói thẳng trực tiếp sợ mếch lòng nhau. Và thế là mọi chuyện cứ bị “ỉm” đi, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, và mất tính công tư phân minh trong làm ăn.

 

- Khi bạn có ý thiên vị người thân trong gia đình mình, những nhân viên còn lại sẽ cảm thấy bất mãn và không nể trọng bạn nữa. Phê bình thì không sao, chứ khi bạn tán dương, khen thưởng người thân thì sẽ có khá nhiều kẻ soi mói.

 

- Cũng vì là người thân trong gia đình, đôi lúc nhân viên đó không chịu cố gắng nỗ lực hết mình vì họ có một suy nghĩ đơn giản: Ô, sếp là anh trai mình, nếu mình có làm sai cũng chẳng sao.

 

- Là anh em, họ hàng ruột thịt trong gia đình ắt phải tin tưởng nhau . Nhưng đôi khi chính vì niềm tin “son sắt” ấy lại có thể ảnh hưởng đến tiền đồ sự nghiệp của bạn. Vì quá tin tưởng, bạn không ngại ngần chia sẻ những dự án mới, những ý tưởng lạ. Biết đâu thành viên này muốn “phản” bạn thì sao.

 

- Trong kinh doanh chắc phải có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là vấn đề tiền bạc. Khi tình cảm gia đình đã bị đồng tiền chen ngang, bạn không những mất một nhân viên, mà còn mất một người thân nữa.

 

Giải quyết vấn đề

 

- Trước tiên bạn phải “ngó” lại xem cách cư xử của mình với những người khác như thế nào, để biết được liệu trong cách cư xử của mình với người thân đã chuẩn chưa, có công bằng không. Hay bạn đang đặt ra một chính sách “đãi ngộ” riêng biệt?

 

- Để cho người thân biết được ảnh hưởng của bạn tới những nhân viên khác và toàn thể công ty như thế nào để người đó đỡ “lộng hành”. Nếu như bạn không có cái “uy” với những nhân viên khác thì cũng đừng mong có “uy” với người thân của mình.

 

- Trước tiên là bạn, rồi sau đó để người thân nhận biết rõ một điều: hợp tác làm ăn vì lợi ích chung của công ty và để phát triển thêm mối quan hệ chứ không phải để tình hình xấu đi.

 

- Hạn chế những tình cảm cá nhân đan xen vào công việc. Phê bình khiển trách khi mắc lỗi, và tán dương, khen thưởng khi làm sai như bao người khác. Chuyện gì cũng nên phán xét công bằng  dựa trên hiệu quả năng lực công việc.

 

- Nếu thấy người thân của mình có hành vi gì quá lố, ra vẻ ta đây thuộc diện “con ông cháu cha” thì phải trực tiếp, thẳng thắn góp ý.

 

- Một điều lưu ý nữa là khi trong cơ sở, lúc nào bạn cũng cần thể hiện phong thái chuyên nghiệp với tất cả mọi người, chứ đừng quá thoải mái khi trước mặt người thân. Điều này sẽ khiến họ cũng mất tính chuyên nghiệp khi làm việc

 

- Khi cần trao đổi công việc với người thân, hãy chọn công sở. Đừng lôi công việc về nhà, tình anh em, ruột thịt của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đấy, nhất là khi giữa 2 bạn đang có mâu thuẫn trong làm ăn. Tương tự, mối quan hệ gia đình chỉ nên thể hiện ở nhà mà thôi.

 

Ngọc Bích

Theo Entrepreneur