1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ nhân viên thích phân biệt “đẳng cấp”

(Dân trí) - “Nếu không muốn người khác coi thường mình thì phải chứng tỏ đẳng cấp của mình để được coi thường người khác”, chị Thanh cao giọng…

Nữ nhân viên thích phân biệt “đẳng cấp” - 1
 
Hơn người là được… vênh

 

Cái phòng toàn đàn bà con gái của chị đều là dân tỉnh lẻ, duy có chị là “nhà mặt phố, gái thủ đô” nên chị Thanh, nhân viên văn phòng cho một công ty môi giới, tự cho mình cái quyền không thể hòa nhập với những người vốn lớn lên từ môi trường khác. Chị Thanh không chỉ tỏ thái độ khinh khỉnh với mọi người mà còn hay “nói bóng nói gió”. Mỗi khi trong phòng có người nào khoe mua áo mới là chị lại mát mẻ “dân nhà quê mà ăn chơi nhỉ?”. Chị Thanh lý giải cho thái độ của mình: “Nếu không muốn người khác coi thường mình thì phải chứng tỏ đẳng cấp của mình để được coi thường người khác”.

 

Kiều Linh được trúng tuyển vào Công ty xuất nhập khẩu chỉ vì có ông bố làm to nhưng cô cứ nghĩ mình tài giỏi hơn người khác. Với tấm bằng Đại học loại Trung bình, tiếng Anh thì bập bẹ vài câu, Linh là nhân viên kém cỏi nhất trong công ty. Thế nhưng “cậy” thế con sếp nên Linh không tôn trọng ai trong phòng, thậm chí cô còn tỏ thái độ trịch thượng, hỗn hào với người khác.

 

Tự hào lấy được ông cao to, đẹp trai lại là tổng giám đốc một công ty kiến trúc làm ăn thành đạt, chị Dung hiếm khi thân thiện với đồng nghiệp. Người cũ không thích gần Dung vì chị kênh kiệu; người mới không dám bắt quen vì thấy Dung vênh, ngạo mạn. Thấy người khác tránh mình, chị Dung càng cho rằng mình hơn người, thuộc đẳng cấp khác.

 

Cơ quan thi thoảng có tập trung ăn uống, chị không mấy khi động tay làm gì với lý do: “Những việc lặt vặt này toàn là osin nhà mình làm”.

 

Cái giá của “đẳng cấp”

 

Chỉ cần cái mình có mà người khác không có thì mình có thể lên mặt, thậm chí có thể tách mình ra khỏi đám đông bình thường. Đó là chân dung của những nữ nhân viên văn phòng luôn chứng tỏ “đẳng cấp” với đồng nghiệp. Thế nhưng thể hiện cái tôi cá tính “quá lố” thì sẽ nhận được gì chứ?

 

Sau khi “yên vị” được vài tháng, bố của Linh bất ngờ bị tai nạn giao thông khá nặng nên phải về hưu sớm. Không còn cái ô to tướng để che, Linh bắt đầu bị soi mói và biết kiếm đồng tiền khó thế nào. Một lần bị trưởng phòng mắng cho một trận vì tội buôn điện thoại quá lâu, lại thêm tội đi làm nửa năm mà không biết photo mấy văn bản, Linh tức quá viết đơn nghỉ việc. Cô không biết, để cho cô ngồi được vào vị trí đó, bố của mình đã rất vất vả.

 

Chị Thanh thì suốt ngày chê đồng nghiệp là quê mùa nhưng chả hiểu dun dủi thế nào chị lại yêu và lấy hẳn một ông chồng người miền núi. Cả công ty được dịp bóc mác, nói đổng khiến chị phải xin chuyển sang phòng khác “cho đỡ ngượng”. Còn chị Dung vốn không muốn giao lưu với đồng nghiệp, chỉ sau hôm bị đau ruột thừa, được mọi người tận tình đưa đến bệnh viện cấp cứu, chị mời thầm ân hận.

 

Chu Phương – Chu Hằng