1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những công nhân thời @

Mặc vest, sơ mi sang trọng, trên mắt chềnh ềnh “quả” kính dày cộp, ít để ý đến người xung quanh vì liên tục phải tư duy… Đó là hình ảnh chung của những lớp công nhân dễ gặp, khó kiếm trong thời đại mới.

Họ làm việc trong phòng có máy lạnh, nhìn bề ngoài có vẻ nhàn nhã, nhưng thực chất áp lực công việc và nguy cơ bị sa thải rất cao.

 

Những công nhân làm việc “bằng đầu”

 

Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với điều kiện làm việc tốt hơn nhiều lần môi trường làm nông nghiệp truyền thống đang được người dân kỳ vọng sẽ mang lại cho họ sự thoải mái, hứng thú làm việc. Người lao động cũng không còn chân lấm tay bùn, dầm mưa dãi nắng nữa.

 

Tại Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thanh Vân, công nhân trồng trọt, chỉ cần ấn nút là hoa, rau màu trong các nhà kính, nhà mái che được hệ thống quạt, phun mưa chăm sóc cây. Ngay cả phân bón, chất dinh dưỡng dành cho cây họ cũng không phải đụng đến. Hơn 7 ha đất canh tác cây-hoa-quả theo công nghệ cao chỉ cần hơn 10 người làm việc.

 

Trong các nhà kính, ấm mùa đông và mát mùa hè, họ không phải đổ mồ hôi, chân vẫn đi giày, dép, mặc quần áo sạch sẽ. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Hàm, Phó Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng là một xu hướng mới ở VN. Tuy nhiên, đáng tiếc là ở phần lớn các địa phương, nông dân vẫn chưa trở thành công nhân nông nghiệp được bởi đây là lĩnh vực phải đầu tư rất lớn.

 

Trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, môi trường làm việc còn được cải thiện rõ ràng hơn. Ở Công ty cổ phần Viễn thông - tin học Bưu điện (Hoàng Mai, Hà Nội), người lao động chủ yếu được làm việc trong điều kiện khá hiện đại.

 

Đội ngũ lắp máy và gia công đều được làm việc trong nhà kín sang trọng, máy điều hòa chạy suốt ngày, làm việc trong trang phục sạch sẽ, sang trọng…

 

Theo chị Lê Hồng Hà - chuyên gia về mạng công nghệ thông tin - nên nhìn thấy nỗi vất vả của những người công nhân này ở chỗ khác. “Chúng tôi làm việc “bằng đầu” với khả năng tiếp cận sáng tạo cái mới, tạo quan hệ với đối tác trong và ngoài nước để họ chấp nhận đặt hàng…”

 

Do sản phẩm của những người lao động này thường ra đời trên cơ sở dự án, sản phẩm mới, trên dây chuyền công nghệ hiện đại nên cường độ làm việc và mức độ tiêu hao chất xám rất lớn. Anh Lê Công Trung, Phòng nghiên cứu khoa học (NCKH) mạng viễn thông (Viện khoa học kỹ thuật bưu điện), cho biết: “Chúng tôi làm đề tài, dự án nên không kể thời gian, có khi phải thức thâu đêm suốt sáng. Những người bạn của tôi làm ở FPT cũng vậy, có lúc còn phải đem chăn chiếu đến làm việc cho kịp tiến độ”.

 

Sau mỗi đợt làm việc căng thẳng như thế, họ lại nhanh chóng học hỏi, cập nhật những thông tin, kiến thức mới để đối phó với khả năng bị sa thải.

 

Theo thạc sỹ Phạm Quốc Huy, Trưởng phòng NCKH mạng viễn thông, thời gian mà lao động lĩnh vực công nghệ cao duy trì được phong độ rất ngắn, chỉ 8-10 năm. Các Công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng rất khó tuyển dụng lao động đẳng cấp. Tuyển được rồi lại dễ “đánh mất” dù họ đã đưa ra mức lương cao.

 

Ăn nghỉ: Đệ nhất… sướng!

 

Những ngày này, đi đâu Thúy Nga (thành viên BQL Khu lưu trú công nhân Công ty Nissei) cũng bị công nhân “bắt cóc” chỉ để hỏi một câu: “Bao giờ thì tụi em được hát karaoke?”. Chẳng là bắt đầu từ tháng 5, phòng hát karaoke khoảng 30m2 với đầy đủ tiêu chuẩn: máy lạnh, cách âm… sẽ được đưa vào sử dụng. Không những thế, cũng vào thời gian này, hai thư viện tại hai dãy lưu trú và sân chơi cầu lông cũng được khánh thành.

 

Nhu cầu giải trí được đáp ứng. Chỗ ở cũng không chê vào đâu được. Hai dãy nhà 5 tầng, mỗi dãy 90 phòng. Mỗi phòng có đầy đủ giường, tủ, quạt máy, ti vi… Mỗi lầu đều có cantine, phòng sinh hoạt chung, 4 máy giặt, 4 máy sấy. Trong khi đó, mỗi công nhân chỉ phải đóng 20.000 đồng tiền nước/tháng.

 

Chúng tôi gặp Trinh (Cần Thơ) tại phòng A207 khi cô đang nghỉ ngơi chuẩn bị cho ca làm việc sắp tới của mình. Trinh vui vẻ cho biết, trong khi những công nhân khác phải chật vật từng ngày với tiền ăn, ở, sinh hoạt… bên ngoài thì cô chỉ có việc ở tại đây và… đi làm. Tiền lương công nhân bình thường phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu thì Trinh vẫn có thể để dành gửi về quê giúp cha mẹ.

 

Ở nhà máy sản xuất máy tính FPT Alead  (Khu Công nghiệp Tân Bình - TPHCM), công nhân được làm việc trong môi trường cực tốt. Tuyệt đối không có khói thuốc lá, các thông số về độ ồn, độ ẩm, khí thải... đã được kiểm soát chặt chẽ.

 

Mức lương bình quân đối với công nhân là 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hàng năm, công nhân còn được thưởng thêm từ 1-3 tháng lương; được cùng gia đình đi du lịch trong nước và nước ngoài; được tham gia các khoá đào tạo về chuyên môn và quản lý... Hàng tuần, sau giờ làm việc, công nhân có thể tham gia các câu lạc bộ văn thể mỹ như bóng đá, bóng bàn, tennis, khiêu vũ, văn nghệ xung kích...

 

Anh Nguyễn Đức Đại (SN 1980, quê ở Lâm Đồng) nói cho biết hiện nay, với chức danh nhóm trưởng, anh được hưởng mức lương bình quân là 3 triệu đồng/tháng. Cuối năm vừa qua, anh còn được đi du lịch Thái Lan 5 ngày do đạt được danh hiệu nhân viên xuất sắc.

 

Theo Lê Văn Thành - Thụy An - Đăng Nguyên

Tiền Phong