1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những chuyện ít biết về Cảnh sát 113

Mọi người thường biết đến 113 như một địa chỉ trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự trị an. Nhưng còn vô vàn những công việc lặng thầm khác ít ai có thể hình dung...

24 giờ, chuông điện thoại 113 đổ dồn. Bên kia đầu dây, giọng một cô gái thảng thốt: “Giúp em với! Giúp em với!” Một giây căng thẳng với người chiến sĩ trực máy. Nhưng may sao, đây là việc quá nhẹ nhàng, thậm chí còn trở nên “thi vị”.

 

Số là, cô gái đi chiếc xe máy giữa đường Ngô Thời Nhiệm thì bị xẹp bánh. Đêm khuya, người vắng không biết làm sao hơn, cô đành nghĩ ra “thượng sách” gọi điện đến 113 nhờ “tiếp cứu” để “đưa nàng về dinh”...

 

Từng vì nhiệm vụ trực chiến, ngày vợ sinh con, một chiến sĩ đã phải “nhường phận sự” để người nhà lo giúp. Ấy nhưng, trời xui đất khiến thế nào, “một đêm trăng sáng” nọ, khi nhận tin báo anh đã hộ tống một “nhân dân” đến Bệnh viện Từ Dũ trong cơn đau chuyển dạ.

 

Đây chỉ là một vài trong 250 đến 300 cuộc gọi mỗi ngày vào số điện thoại 113 của Công an TPHCM. Trong 1.001 tình huống có thể thì những sự việc nho nhỏ này đều là yêu cầu chính đáng của người dân mà các cán bộ, chiến sĩ 113 luôn xác định sẽ hỗ trợ hết mình.

 

Nơi thời gian không tính bằng giờ

 

Gần 50 cán bộ chiến sĩ phải “phủ sóng” trên địa bàn TPHCM cho nên mặc dù quy định thời gian trực chiến với mỗi người từ 64 đến 72 giờ mỗi tuần nhưng thường thường họ phải đảm nhận 86 đến 94 giờ, có khi vào “chiến dịch” con số giờ làm việc trong tuần dịch chuyển lên tận 104.

 

Vất vả, bận rộn và căng thẳng nhưng dường như đó là nghiệp dĩ, là “máu thịt” khi khoác lên mình bộ cảnh phục 113. Rất nhiều anh em kể rằng: Thường khi tới ca trực đã đành, còn khi không trực, vào cơ quan là cứ quần áo chỉnh tề mà ngủ để khi nhận lệnh khẩn cấp là có thể xuất phát ngay.

 

Ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngoài giờ làm việc hay lúc nghỉ ngơi với gia đình... tất cả đều trở thành “chuyện nhỏ” khi có lệnh lên đường. Cách gọi “Lực lượng Phản ứng nhanh” có lẽ vì những yêu cầu như thế.

 

Một lần, nhận tin báo, không biết nguyên cớ gì mà có một bé trai đang đứng khóc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, các anh tức tốc chạy đến. Hóa ra, do bị điểm xấu nên em không dám về nhà. Đi đến đây thì bé trai không biết nhà ở đâu nữa và rất sợ khi về nhà. Đại úy Nguyễn Công Thành, chỉ huy ca trực, đã điều tổ tuần tra tìm địa chỉ, giao cháu bé về cho cha mẹ.

 

Việc làm “bảo mẫu” cho những đứa trẻ đi lạc và tìm mọi cách để đưa các cháu về với gia đình đã đành, có khi các anh còn được gọi đến để làm “nhân chứng”. Sau khi nhận được tin một phụ nữ ở quận 7 yêu cầu được 113 hỗ trợ, các chiến sĩ tức tốc đến hiện trường. Thì ra, chị ta vi phạm luật giao thông và phải tạm giữ xe nhưng cương quyết phải có 113 chứng kiến mới giao xe!

 

“Chúng tôi luôn sẵn sàng”!

 

Chỉ tính trong năm 2004, đã có 46.869 cuộc gọi được tiếp nhận tại 113, tăng 30.118 cuộc so với năm 2003. Để xử lý chừng ấy thông tin hẳn là không đơn giản. Nhưng “ngán” nhất cho lính 113 là nhận tin báo giả, tin chọc phá... Bỏ ăn, bỏ ngủ tất tả lao xuống hiện trường hóa ra là chuyện của “bà con nhà vịt”. Khổ nhất là khi nhận liên tiếp hai, ba nguồn tin, đành chia “binh lực, vật lực” nhiều hơn cho tin đánh giá bước đầu là khẩn cấp, dè đâu tới nơi thì “trớt quớt” trong khi chỗ khác lại đang cần.

 

Vừa qua, một số máy “quậy” dạng này như 9601... ở quận 6, 9552... ở quận 11 và máy 8605... chủ nhân đã bị xử lý. Đại úy Nguyễn Văn Đạt, Đội phó Đội Cảnh sát 113, cho rằng: “Công việc của chúng tôi hơn cả làm dâu trăm họ nhưng vẫn thấy nhẹ lòng, chỉ mong sự cảm thông và chia sẻ của người dân”.

 

Theo chân những chiến sĩ 113 trong những lần chống đua xe, những khi truy bắt tội phạm mới cảm nhận hết được sự dũng cảm, tinh thần xả thân vì công việc. “Anh hùng xạ điêu” là biệt danh đơn vị 113 gọi thượng sĩ Trần Phúc Thọ bởi anh luôn là “sát thủ” của bọn cướp giật trên đường phố. Rất nhiều lần anh chấp nhận “lãnh thẹo” chứ quyết không tha cho bọn cướp.

 

Các anh còn những công việc lặng thầm: đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ hiện trường, truy cứu kẻ gây nạn khi có tai nạn giao thông, cháy nổ... hoặc thời gian gần đây là tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm.

 

Thiếu tá Lê Hồng Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 Công an TPHCM cứ nhắc mãi về mong ước: “Nhân dân cung cấp nhiều hơn những tin có giá trị về an ninh trật tự. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào khi có nguyện vọng chính đáng, hãy gọi 113, chúng tôi luôn sẵn sàng”.

 

Theo Sơn Hậu

Người Lao Động