1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều người lao động đã biết đến bảo hiểm thất nghiệp

Nghỉ việc ở công ty, chị Hằng cảm thấy mình thật may mắn vì đã sáng suốt khi quyêt định tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đến thời điểm nghỉ việc, tính ra, chị Hằng đã đóng BHTN hơn 1 năm và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thực tế, người lao động là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng việc làm xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng; hợp đồng việc làm xác  không xác định thời hạn  đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.  Một khi đã tham gia BHTN, dù hằng tháng bị trừ một khoản tiền nhưng nếu biết nhìn vào lợi ích lâu dài, không quan tâm nhiều đến khoản trừ trước mắt thì người lao động được bảo đảm nhiều về quyền lợi.

Theo quy định, mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60 % mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng việc làm theo quy định của pháp luật. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhu cầu học nghề được hỗ trợ học nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động  bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật dạy nghề. Trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật thì phần vượt quá mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp do người lao động chi trả. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá sáu tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. 

Cũng như chị Hằng, đi làm nhiều năm nay nhưng mãi đến cuối năm 2009, anh mới biết đến BHTN. Ban đầu, anh Thịnh và nhiều đồng nghiệp cùng công ty không định tham gia vì tự nhiên giờ mỗi tháng lại bị trừ thêm một khoản, dù không nhiều lắm nhưng trừ mỗi thứ một ít “tích tiểu thành đại” cũng là nhiều. Thế nhưng, khi nghiên cứu về quyền lợi BHTN, anh Thịnh dần “giác ngộ” và đóng BHTN. Đợt tới, có nghỉ việc thì anh Thịnh cũng yên tâm về chế độ của mình. So với những đồng nghiệp không tham gia BHTN, bị mất nhiều quyền lợi, anh Thịnh thấy mình thật sáng suốt vì đã có sự lựa chọn hợp lý.
 

Chính sách Bảo hiểm Thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 06 năm 2006; Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2010 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2008 nêu trên.

Đối tượng:

1. Người lao động : Là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sau đây với người sử dụng lao động :

- Hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng; Hợp đồng làm việc xác  không xác định thời hạn

Đối với người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Những người là công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người sử dụng lao động : có sử dụng từ 10 người lao động trở lên tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sau:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội khác.

-  Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

                - Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

- Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Đóng Bảo hiểm thất nghiệp:

1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định và trích tiền lương,  tiền công của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

3. Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.

 

PV