1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề công tác xã hội

(Dân trí) - “Vừa qua Sở có tuyển nhân viên nhưng chỉ có vài người học ngành xã hội học - công tác xã hội đăng ký, phòng chúng tôi tuyển ngay vì đây là ngành chúng tôi cần. Chưa kể Sở chúng tôi còn có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội có nhu cầu này”.

Nghề công tác xã hội - 1
Công tác xã hội là một nghề cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội

Ngày 16/5, tại buổi lễ giới thiệu dự án Học bổng công tác xã hội (CTXH), ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM) khẳng định như thế về nhu cầu của xã hội đối với nhân viên ngành CTXH.

Nghề công tác xã hội - 2
Cũng tại buổi lễ này, ĐH Mở TPHCM đã trao 62 suất học bổng CTXH cho các em sinh viên học ngành CTXH. Đây là một phần trong Dự án Học bổng CTXH kéo dài 5 năm, nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành CTXH tại Việt Nam.

Theo ông, cùng với sự phát triển nhanh chóng, TPHCM cũng xuất hiện nhiều vấn đề xã hội về trẻ em, người khuyết tật… TP cũng đã có nhiều chương trình để giải quyết những vấn đề trên. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mong muốn của lãnh đạo TP thì vẫn chưa đạt. Một trong những yếu tố chi phối là việc phát triển nhân viên CTXH chưa đạt yêu cầu.

Hiện đối tượng phục vụ của nhân viên CTXH tại TPHCM là rất lớn. Trong đó có 400.000 người cao tuổi, 43.000 người khuyết tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… và nhiều đối tượng thuộc các ngành khác (giáo dục, y tế, đoàn thể…).

Ông Lê Chu Giang cho rằng: “Học đường là nơi cần nhân viên CTXH nhất. Thời gian qua học đường liên tục xuất hiện tình trạng bạo lực mà báo chí đề cập nhiều. Nếu có nhân viên CTXH thì tình hình sẽ khác”.

Hiện tại nguồn nhân lực của TP chỉ có khoảng 5.000 người tạm được xếp vào diện là nhân viên CTXH. Tuy nhiên, tiếng là những người này hoạt động trong ngành CTXH nhưng nhiều người không hề biết nghề CTXH là gì, họ chỉ thực hiện công tác theo dạng quen việc mà không có kiến thức chuyên môn về ngành CTXH. Do đó, nhu cầu nhân lực, đào tạo lại nguồn nhân lực đang có là rất lớn.

Theo ông Lê Chu Giang, mạng lưới cơ sở xã hội của TP hiện nay chủ yếu là các cơ sở bảo trợ, còn các cơ sở cung cấp dịch vụ XH thì rất ít, hoạt động manh mún. Do vậy, nhu cầu nhân lực của ngành này trong tương lai là rất lớn, đặc biệt là khi TP đã có kế hoạch thực hiện Đề án 32 của Chính phủ, phát triển CTXH thành một nghề tại TPHCM.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhận, giảng viên khoa XHH-CTXH (ĐH Mở TPHCM ) cho rằng: “Thông tin này sẽ giúp các em sinh viên học ngành XHH-CTXH an tâm hơn để học tập vì biết ngành mình sẽ có nhu cầu, có cơ hội để cống hiến và phát triển”.

Tùng Nguyên