1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năm 2017: Hà Nội tăng lên 10 điểm việc làm “vệ tinh” nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo

(Dân trí) - “Năm 2017, thành phố chủ trương phát triển các điểm giao dịch việc làm “vệ tinh” có kết nối internet. Đây là một trong những cách làm giảm tình trạng lừa đảo việc làm đang có xu hướng gia tăng trên mạng internet hiện nay”.


Phiên GDVL đầu xuân 2017 tại TT DVVL Hà Nội

Phiên GDVL đầu xuân 2017 tại TT DVVL Hà Nội

Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trao đổi với báo chí về những điểm mới trong công tác tư vấn giải quyết việc làm và chế bộ bảo hiểm thất nghiệp năm 2017 trên địa bàn Hà Nội.

Thưa ông, trong Phiên GDVL đầu xuân tổ chức sáng nay (7/2), người lao động sẽ được đón nhận những cơ hội việc làm ra sao?

- Phiên GDVL đầu xuân thu hút sự tham gia của 38 doanh nghiệp với gần 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng miễn phí. So với Phiên GDVL năm 2016, Phiên GDVL năm nay có sự tham gia nhiệt tình và hào hứng của nhiều doanh nghiệp và người lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp tới tham gia là 100 % so với đăng ký ban đầu.

Kế hoạch phát triển các điểm Giao dịch việc làm vệ tinh của Hà Nội.

Với 912 vị trí tuyển dụng, Ban tổ chức thống kê có tới hơn 480 vị trí có mức lương do nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ tự thoả thuận (mức lương này dao động từ 11-30 triệu đồng/tháng hoặc có thể hơn nữa), hơn 200 vị trí có mức lương khởi điểm từ 4-5 triệu đồng/tháng, hơn 220 vị trí có mức lương khởi điểm từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Nhiều vị trí đáp ứng đa dạng yêu cầu của người lao động, từ nhân viên kinh doanh, bán hàng, giao hàng, nhân viên phục vụ trò chơi, tổ trưởng sản xuất, trưởng phòng kinh doanh, phó giám đốc...

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm việc của người lao động sẽ tăng nhanh. Điều này có thể dẫn tới tình trạng lừa đảo việc làm. Vậy, theo ông có cách nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Trong quá trình triển khai, TT DVVL Hà Nội nhận được nhiều phản ánh về tình trạng lừa đảo môi giới việc làm. Điều này cũng cho thấy sự phát triển quá nhanh của mạng internet, nhiều thông tin mời gọi việc làm với lương cao, việc giản đơn nhưng tính xác thực còn là câu hỏi lớn.

Chưa kể tới câu chuyện xác định tư cách pháp nhân của những đơn vị đứng ra thực hiện dịch vụ giới thiệu việc làm có thông tin trên mạng. Bao nhiêu đơn vị hoạt động hợp pháp, bao nhiêu đơn vị không hợp pháp. Đây còn là câu hỏi để ngỏ. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để hạn chế tình trạng.

Với tư cách là đơn vị thực hiện dịch vụ công giới thiệu việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi xác định phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, bổ sung thêm nhiều Phiên GDVL trực tuyến (online), Phiên GDVL chuyên đề và các kết nối giao dịch việc làm hàng ngày.

Đồng thời, TT DVVL Hà Nội sẽ cử cán bộ bám sát các phường xã, khu đô thị, nơi người lao động sinh sống để cung cấp các thông tin chính xác, miễn phí về thị trường lao động và cơ hội việc làm.

Năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ gộp Trung tâm DVVL Hà Nội và TT DVVL số 2 thành một đơn vị. Vậy, ông có thể nhận xét gì về công tác giới thiệu việc làm và triển khai chính sách BHTN trong thời gian tới?

Đầu năm 2017, tình hình nhảy việc của người lao động không nhiều.

“Các chế độ chính sách lao động việc làm ngày hoàn thiện, nhận thức của người lao động về việc làm cũng được nâng cao. Đầu năm 2017, tôi dự đoán tình hình hiện tượng nhảy việc của người lao động trên thị trường lao động ít hơn so với các nơi khác và ít hơn so với cùng kỳ năm 2016” - ông Nguyễn Toàn Phong nói.

- Trước đây, Hà Nội có 2 TT DVVL thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Hai trung tâm trên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của thành phố giao cho. Theo chỉ đạo của Thành uỷ và UBND Hà Nội, việc sắp xếp và thu gọn thành 1 đầu mối sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2017: Ra mắt Trung tâm Dịch vụ việc làm mới với cơ sở 1 và 2.

Trong Quý 1/2017, TT DVVL Hà Nội sẽ thành lập thêm 2 Sàn GDVL “vệ tinh” ở huyện Đông Anh và Ba Vì, hoàn thiện nốt 1 điểm GDVL “vệ tinh” có kết nối internet ở phía Tây thành phố. Như vậy, thành phố sẽ có 10 điểm và Sàn GDVL “vệ tinh” trong năm 2017. Điều này sẽ giúp người lao động không phải tốn nhiều thời gian để tới tìm việc ở các Sàn GDVL chính.

Thay vào đó, họ có thể đến các điểm giao dịch việc làm vệ tinh để tìm kiếm thông tin, tham gia vào các hoạt động phỏng vấn online, tiếp cận thủ tục bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi. Đồng thời, việc gia tăng các điểm GDVL vệ tinh cũng sẽ nhằm giảm các hiện tượng lao động bị lừa đảo thông qua các giao dịch việc làm khác.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

Tin việc làm:

Trả tới 1 triệu đồng/ngày công vẫn thiếu người làm dịp Tết

Trong dịp Tết Nguyên Đán 2017 vừa qua, nhiều người lao động có thêm thu nhập từ việc hái hoa thuê tại các nhà vườn của Đà Lạt. Tiền công cao nhất lên tới 1 triệu đồng/người/ngày, nhưng các chủ vựa hoa vẫn thiếu người làm.

hoa

Được biết, giá thuê nhân công làm cả ngày đến khoảng 22 giờ đêm là 800.000 đồng/người đối với nữ và 1 triệu đồng/người đối với nam. Tuy tiền công cao nhưng vẫn khó kiếm người làm. Nguyên nhân chính bởi những người tới Đà Lạt làm thuê chủ yếu đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam... Khoảng ngoài 20 tháng Chạp, họ đón xe về quê ăn Tết. Có nhiều chủ vựa hoa không thuê được người phải huy động người thân phụ giúp thu hoạch và đóng hoa để đáp ứng nhu cầu của thương lái.

Theo Hội Nông dân phường 12 (TP Đà Lạt), địa bàn này là nơi trồng hoa cúc phục vụ thị trường Tết lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Để có được lao động làm đến những ngày này, từ đầu tháng Chạp, hầu hết các gia đình tại địa phương đã phải liên hệ tìm người làm thuê, đặt cọc tiền trước. Từ ngày 21 đến 24 tháng Chạp giá thuê công tăng lên 800.000 đồng/ngày. Đặc biệt, từ ngày 25 đến 28, số tiền tăng lên 1 triệu đồng/ngày, làm cả vào ban đêm. Ngoài ra, các gia đình gia đình thuê nhân công còn phải bố trí nơi ăn ở cho họ.

N.H

Cấp 4,3 tỷ đồng kinh phí BHTN còn thiếu của năm cũ

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt cấp kinh phí bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu từ năm 2014 cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, tổng 1% kinh phí đóng Bảo hiểm thất nghiệp ngân sách địa phương đảm bảo là hơn 33,5 tỷ đồng; kinh phí đã cấp cho Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa năm 2014 là hơn 29.1 tỷ đồng; kinh phí còn thiếu cấp bổ sung cho Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa năm 2014 là hơn 4,3 tỷ đồng.

Năm 2017: Hà Nội tăng lên 10 điểm việc làm “vệ tinh” nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo - 2

Nguồn kinh phí từ nguồn cải cách tiền lương năm 2016. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện các thủ tục nghiệp vụ để thông báo và cấp kinh phí Bảo hiểm thất nghiệp còn thiếu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, đảm bảo theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng số kinh phí trên đúng quy định của Nhà nước về quản lý Qũy bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung phê duyệt nêu trên có trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định.

D.T