1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Muôn vẻ chuyện làm thêm của sinh viên

(Dân trí) - Càng ngày, nhu cầu tìm việc làm của sinh viên càng tăng. Có bạn vì muốn phụ giúp gia đình trang trải tiền ăn học phí, có bạn muốn tích lũy kinh nghiệm cọ sát thực tế, có bạn đi làm cho... oai.

Lợi ích của việc làm thêm

Trần Duy Tùng, sinh viên năm 4 trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM, nói: "Nhờ có một anh quen biết giới thiệu nên em vào làm phục vụ tại tiệc cưới của nhà hàng Metropole từ 17 giờ đến 22 giờ. Tiền công là 30.000 đồng/ngày. Nếu đi làm cả tuần em có 210.000 đồng, đủ tiền chi trả tiền xăng đi học trong một tháng. Cũng giúp ba mẹ được phần nào".

Hồng (SV trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM), quê ở Thái Bình, thì tâm sự: "Gia đình ở quê, em vào đây học, chi phí tốn kém quá nên em đã xin đi dạy thêm. Dạy tất cả các môn cho một em học sinh lớp 2, mỗi tháng là 400.000đ. Tiền nhà coi như em không phải lo mà còn trang trải thêm phần nào tiền sinh hoạt". Được biết mỗi tháng bố mẹ ở quê gửi vào cho Hồng 1 triệu đồng.

"Em đi làm là để rèn luyện khả năng diễn đạt, nói năng và tính kiên trì của mình", Lan, sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, đang dạy kèm một học sinh lớp 1, cho hay.

Trong khi đó, Ngọc Hân, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Bách Việt giãi bày: "Em đi làm thêm ở một nhà hàng, mỗi ngày làm 5 - 6 giờ, mỗi tháng tiền công khoảng 1,4 triệu (tính cả tiền ăn bữa tối tại nhà hàng). Đối với một sinh viên năm cuối như em, khoản tiền đó có ý nghĩa lắm, nó giúp em trang trải rất nhiều việc trong học tập".

Những bất lợi

"Đi làm về là 10h30 - 11h rồi, người mệt nhoài, em chỉ muốn ngủ thôi, chẳng học hành gì được nữa dù muốn lắm. Vì vậy em phải tranh thủ những buổi sáng được nghỉ ở nhà để học", Ngọc Hân ngượng ngập nói.

"Được tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể với lớp, với các bạn ai mà không thích, nhưng đành phải chịu vì giờ làm thêm và giờ học chỉ cách nhau 1 tiếng đồng hồ" - Minh, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên giải thích khi lớp trưởng của mình vận động tham gia hoạt động tình nguyện.

Không chỉ dừng lại ở những khó khăn về thời gian khi kết hợp việc học và làm, các bạn sinh viên, đặc biệt là các sinh viên nữ, dễ gặp phải những khó khăn từ chính công việc làm thêm của mình. Duy Tùng kể gằn gọng ấm ức: "Sau mỗi buổi làm tụi em được phát lương luôn là 25.000đ. Hôm đó, anh phụ trách chỉ phát cho em 20.000, anh nói không có tiền lẻ nên để lần sau đưa nốt. Mấy lần sau em đi làm thì anh đó nghỉ. Em mới xin làm ở chỗ khác nên cũng thôi luôn. Số tiền tuy không lớn nhưng nó là công sức của em và nó thể hiện sự không nghiêm túc trong việc tính toán tiền bạc của một anh lớn hơn em, nên em không tôn trọng và thấy buồn".

H.N, sinh viên trường ĐH KHXH &NV, làm tiếp thị cho hãng bia S. Trong một lần đi làm, bị mấy thanh niên say xỉn chọc ghẹo, H.N thấy tủi thân nên đã bỏ, đi tìm công việc khác.

Khó có 3 trong 1

Phải khẳng định rằng làm thêm giúp các bạn sinh viên trang trải được phần nào những lo toan, gánh nặng cho các bậc sinh thành, không những thế nó còn trang bị cho các bạn những kiến thức, kinh nghiệm thực tế vô cùng quý báu. Nhưng cũng có một thực tế, không phải bạn sinh viên nào cũng vừa học tốt, tham gia năng nổ các hoạt động sinh hoạt tập thể lại vừa làm thêm giỏi.

Theo chúng tôi, điều quan trọng là các bạn cần xác định đâu là thời điểm đi làm thêm và đâu là thời gian dồn sức cho việc học. Và cố gắng cân bằng sao cho đạt kết quả học tập tốt bởi nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ một sinh viên nào là học tốt chứ chưa phải là làm giỏi.

Xu hướng của các nhà tuyển dụng hiện nay là không chỉ căn cứ vào kết quả học tập mà còn căn cứ vào kinh nghiệm, sự năng động của bạn nữa. Nhưng bao giờ cũng thế, nhà tuyển dụng luôn nhìn vào kết quả rèn luyện, kết quả học tập tại trường đại học, cao đẳng của bạn, coi đó là nền tảng.

Một kết quả học tập tương đối tốt, những kinh nghiệm tích lũy dồi dào, điều này có đạt được hay không tùy thuộc vào chính khả năng biết sắp xếp, cân đối thời gian học và làm của bạn.

Cứ vào mùa khai giảng lại có những cô chủ, cậu chủ rất trẻ đang chào bán tập, vở, bút; trong những nhà hàng, quán ăn những gương mặt trẻ măng đang thoăn thoắt bưng những khay thức ăn đến cho khách; trong những ngôi nhà sang trọng xuất hiện bóng dáng cần mẫn của các "giáo viên tập sự"... đó là các sinh viên đang đi làm thêm.

Họ đang cố gắng bằng chính sức lao động của mình góp phần vun đắp, làm giàu cho tương lai. Việc làm của họ thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao nhưng mong rằng họ luôn biết cân bằng giữa làm thêm và học tập sao cho việc làm thêm là để phục vụ tốt nhất cho việc học.

Vũ Yến