1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mất lợi thế sân nhà

Trong khi các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí rất cao để trả cho chuyên gia nước ngoài thì mỗi năm Việt Nam lại “xuất khẩu” hàng trăm ngàn lao động tay nghề thấp, thu nhập không cao.

Tại ngày hội nghề nghiệp tuyển dụng nhà lãnh đạo tương lai do Công ty Unilever Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, đại diện công ty đưa ra thông tin khiến không ít người trăn trở: Chỉ có hơn một nửa thành viên trong ban quản trị công ty là người Việt. Hiện công ty đang trên đường “nội địa hóa” nguồn nhân lực ở cấp quản lý.
 
Mất lợi thế sân nhà - 1
Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên Việt Nam.

Nhập khẩu chuyên gia

Trước đó, tại Công ty Hỷ Lâm Môn, để chuẩn bị cho việc mở những cửa hàng kinh doanh bánh ngọt - cà phê mang thương hiệu L’Amour, công ty mời một chuyên gia từ Pháp đến tư vấn cách thiết kế cũng như mô hình tổ chức sao cho phù hợp. Dĩ nhiên, để có được chất xám cũng như ý tưởng từ chuyên gia này, công ty phải trả một mức lương không nhỏ.

Ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đội ngũ chuyên gia từ các nước đến Việt Nam làm việc khá đông và tập trung vào các vị trí quản lý, nhân sự cấp cao ở các công ty. Mới đây, Công ty Procareer ra đời trang web tuyển dụng trực tuyến.

Để việc điều hành của công ty được trôi chảy, một giám đốc nước ngoài được mời về phụ trách kinh doanh. Ông Dương Xuân Giao, Tổng Giám đốc Procareer, cho biết: “Chúng tôi quyết định chọn lao động nước ngoài, vì họ có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong quá trình làm việc. Với những gì mà họ tích lũy được trong quá trình làm việc, công ty sẽ phát triển nhanh chóng”.

Lao động xuất khẩu: Tay nghề thấp

Trong khi các DN phải bỏ ra chi phí rất cao để trả cho đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc thì mỗi năm lại có hàng trăm ngàn lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, chỉ riêng năm 2010, Việt Nam đã đưa 85.564 lao động sang các nước làm việc, trong đó nhiều nhất là thị trường Đài Loan với 28.499 lao động, kế đến là Malaysia với 11.741 lao động và Hàn Quốc là 8.628 lao động…

Điều đáng nói là lực lượng lao động được xuất sang các nước chủ yếu là lao động không có tay nghề cao; hầu hết được tuyển chọn từ nông thôn, không có việc làm ổn định.

Bà Dương Thị Thu Cúc, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động thuộc Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, cho rằng: “Chính sự không chuẩn về trình độ, tay nghề đã khiến cho lao động Việt Nam làm việc năng suất thấp, thu nhập không cao. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam thiếu tác phong công nghiệp nên dễ chán nản khi làm việc theo quy trình hiện đại và đó là nguyên nhân khiến cho không ít lao động sang các nước hay trốn khỏi DN”.

Thua thiệt đủ bề

Giám đốc một công ty tư vấn nguồn nhân lực tại TPHCM nhìn nhận: “Điều đáng lo ngại là hiện nay nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN trong nước. Chính những hạn chế về học vấn, tay nghề, tác phong công nghiệp đã khiến cho phần đông lao động Việt Nam không chỉ “thua trên sân đối phương mà còn thua cả trên sân nhà”.

Ở trong nước, họ phải làm công việc nặng nhọc, cường độ lao động cao nhưng tiền lương, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Còn khi ra nước ngoài làm việc, họ thường phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà lao động bản xứ từ chối. Và mức lương họ được hưởng cũng thấp hơn rất nhiều so với lao động của nước sở tại”.

Trong một cuộc hội thảo về nguồn nhân lực tổ chức cuối năm 2010 tại TPHCM, thông tin của một đại biểu khiến nhiều người giật mình: Ở một công ty liên doanh tại TPHCM, tiền lương của 20 chuyên gia nước ngoài bằng tổng tiền lương của gần 500 lao động Việt Nam trong công ty!

Phân tích điều này, ông Dương Xuân Giao nhận định: “Khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì cạnh tranh nguồn nhân lực cũng là một tất yếu bởi trong kinh doanh, các DN luôn chú trọng đến hiệu quả. Với những người nước ngoài, ngoài trình độ chuyên môn, ngoại ngữ thì kỹ năng làm việc của họ cũng rất tốt. Nếu không tự nâng chất trình độ nguồn nhân lực thì chúng ta sẽ mất dần lợi thế và thua thiệt là điều khó tránh”.

Theo Nguyễn Huỳnh
Người Lao động