1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Malaysia tăng nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài

(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của thị trường Malaysia có thể tăng lên trong thời gian tới.

Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của thị trường Malaysia có thể tăng lên trong thời gian tới.
 
Với mục tiêu từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020, Malaysia đang thực hiện một số chương trình cải cách lớn, trong đó có chương trình cải cách kinh tế (Economic Transformation Programme).
 
Tính đến tháng 9/2011, Chương trình đã tạo ra gần 400.000 việc làm mới. Chính phủ Malaysia cũng thông báo đã có thêm 8 dự án mới thuộc Chương trình cải cách kinh tế, hy vọng thu hút đầu tư khoảng 1,4 tỷ Ringgit và tạo ra hơn 10.000 việc làm mới. Bên cạnh đó, Quốc hội Malaysia đã thông qua Luật tiền lương tối thiểu.

 

Liên quan đến Chương trình hợp pháp hóa và ân xá cho lao động nước ngoài đang làm việc bất hợp pháp tại Malaysia (Chương trình 6P), Bộ Nội vụ Malaysia thông báo: Giai đoạn 2 của chương trình bắt đầu từ 15/9. Đây là giai đoạn “hợp pháp hóa” cho người lao động nước ngoài sau khi đã đăng ký trình diện theo chương trình này.

 

Giai đoạn này được tiến hành theo 3 bước, bước 1 - trước khi hợp pháp hóa: đây là bước người lao động nước ngoài phải hoàn thiện giấy tờ tùy thân và các giấy tờ cần thiết khác (liên hệ với Đại sứ quán của nước mình để được cung cấp, đổi hộ chiếu, giấy tiếp nhận của chủ sử dụng lao động...);

 

Bước 2 – hợp pháp hóa: thực hiện tại các trung tâm hợp pháp hóa gồm nộp hồ sơ, phỏng vấn, nộp thuế “levy”, cấp giấy phép hợp pháp hóa;

 

Bước 3 – sau khi hợp pháp hóa: tiến hành các thủ tục bắt buộc đối với lao động nước ngoài làm việc tại Malaysia. Sau các bước trên, Cục Nhập cư Malaysia sẽ cấp Giấy phép làm việc tạm thời (Temporary Work Visit Pass) cho người lao động. Hiện tại, thời gian kết thúc Giai đoạn 2 chưa được xác định.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Malaysia, tính đến ngày 26/9, tổng số lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại nước này là trên 1,3 triệu người; trong đó trên 900 nghìn người đã đăng ký ở lại làm việc. Tổng số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Malaysia là 13.515 người; trong đó 11.013 người đã đăng ký ở lại làm việc.

P. Thanh