1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Loay hoay với bài toán phát triển thị trường lao động

(Dân trí) - Đề án "Phát triển thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" vẫn đã đưa ra những mục tiêu khó có thể khả thi trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Loay hoay với bài toán phát triển thị trường lao động - 1
Thị trường lao động nội địa trong tình trạng thừa mà thiếu. (Ảnh:TT)
 
Đề án chia mục tiêu thành 2 giai đoạn: từ 2011 - 2015, là quá trình tăng trưởng tập trung vào chuyển dịch cơ cấu lao động và mở rộng việc làm. Việc làm trong ngành nông nghiệp giảm xuống còn 40% vào năm 2015; đạt cơ cấu kỹ năng của lực lượng lao động ở mức 60% lao động qua đào tạo và 40% lao động qua đào tạo nghề vào năm; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 5%.

Thời kỳ 2015 -2020 được xác định sẽ có những quá trình thay đổi về chất trong chuyển đổi việc làm, hướng tới việc làm có năng suất và hiệu quả cao hơn trong các ngành sản xuất, chế tạo, dịch vụ. Năm 2020, mục tiêu sẽ giảm việc làm trong nông nghiệp xuống còn 30%, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Tuy nhiên, chuyên gia tại hội thảo góp ý cho đề án do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) vừa tổ chức cho rằng đây là mục tiêu khó khả thi bởi trên thực tế hiện Việt Nam có hơn 70% lao động ở khu vực phi chính thức. Trong vòng 10 năm nữa vẫn chưa thể đạt được mục tiêu giảm số lao động khu vực này chỉ còn 40%.

Bên cạnh đó, chuyên gia thuộc Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, hiện những phân tích, dự báo về thị trường lao động nước ta vẫn khá sơ sài và thiếu tính nhất quán. Nên ngay cả cơ quan Nhà nước cũng khó có thể đưa ra những bước đi chiến lược mạc lạch, dài hơi.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận, hiện có nhiều con số khác nhau khi thống kê về lượng doanh nghiệp ở nước ta. Có nơi đưa ra con số 500 nghìn doanh nghiệp, trong khi Tổng cục Thuế thì cho rằng có hơn 300 nghìn, còn theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH thì chỉ có hơn 200 nghìn doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến vấn đề số lượng nhân lực tại mỗi doanh nghiệp.

Về thực trạng trong khi các báo cáo thống kê  đều khẳng định, nguồn lao động ở nước ta đang trong tình trạng dư dôi, thì hiện một số nhà máy ở khu vực TP.HCM đang xin được nhập khẩu lao động nước ngoài. Chuyên gia đưa ra khuyến cáo, không thể để tình trạng khi đưa một lao động của chúng ta ra nước ngoài làm việc thì khó khăn, trong khi lấy lý do hội nhập để lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam một cách quá dễ dàng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực trạng chất lượng lao động nội địa vẫn còn ở mức khiêm tốn. Vì thế, đào nghề theo hướng nào, mục tiêu cụ thể đến đâu là điều tối cần thiết hiện nay.

P. Thanh- H.Huyền