1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần Thơ:

“Khát” nguồn nhân lực ở cấp xã, phường, thị trấn

(Dân trí) - Tính từ năm 2007- 3/1020, cấp xã, phường, trị trấn của TP.Cần Thơ chỉ thu hút được 28 ứng viên có trình độ Đại học về công tác. Một con số quá ít so với nhu cầu thực tế.

Ông Trần Oanh Liệt- GĐ Sở Nội vụ TP.Cần Thơ nhìn nhận: “Theo thống kê từ các đơn vị xã, phường, thị trấn thì còn thiếu khoảng 500 người có trình độ ĐH nhưng cho đến nay vẫn “tìm không ra”. Nhu cầu có trình độ ĐH cho cấp này là sau khi về làm sẽ được đào tạo từ từ lên Quận rồi lên TP được thuận lợi”. “Nhân lực cho nhóm ngành xây dựng, môi trường, địa chính ở cấp xã, phường, thị trấn mà không có trình độ ĐH thì không thể cán đán nổi”- ông Liệt nhấn mạnh.

 

Cũng tính từ năm 2007- 3/2010, cả TP không thu hút được Tiến sĩ nào; trong khi đó, chỉ thu hút 3 Thạc sĩ cho cấp TP; quận, huyện thu hút 70 ứng viên ĐH (có 1 Thạc sĩ) còn xã, phường, trị trấn có 28 ứng viên ĐH (19 bác sĩ). Số lượng thu hút quá ít so với nhu cầu thực tế.

 

Theo ông Liệt, nguyên nhân do các cơ quan chủ quản chưa năng động, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách thu hút; một số lĩnh vực TP có nhu cầu nhưng không có nguồn cử đi đào tạo hoặc không thu hút về được như: khoa học công nghệ, quy hoạch, kiến trúc, thương mại quốc tế, khoáng sản, trắc địa, các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật…Đặc biệt, thu hút càng hạn chế ở các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, đầu đàn mà TP đang đặt trọng tâm phát triển như xây dựng, phát triển đô thị, khoa học công nghệ;

 

Cấp quận, huyện thì công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa triệt để mặc dù nhu cầu tại cấp này rất lớn tập trung ở nhóm ngành quản lý đô thị, môi trường, văn hóa xã hội; việc bố trí chức danh công chức còn thiếu ở cấp xã, phường, thị trấn chưa thực hiện đúng theo quy định; mức trợ cấp thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đi lại nên chưa đủ lực hấp dẫn các đối tượng đăng ký về công tác…

 

TP Cần Thơ cũng đang thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực TP đến năm 2010 và tấm nhìn đến năm 2020. Qua đó, thực hiện 3 chương trình với 17 đề án, trong đó Sở GD-ĐT đóng vai trò khá quan trọng với 5 đề án. Theo ông Trần Trọng Khiếm- Quyền GĐ Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cho biết thì hiện nay toàn TP có 383 trường học các cấp với hơn 213.093 học sinh và khoảng 12.810 cán bộ, giáo viên, nhân viên (chỉ có 1 Tiến sĩ và 54 Thạc sĩ).

 

Ông Khiếm cho rằng, với số lượng như trên thì hệ thống trường lớp còn thiếu so với tầm nhìn; vì thế Sở GD phấn đấu đến năm 2015 cần thêm 100 trường học cho bậc mầm non, phổ thông và phát triển mạnh các trường bậc Trung cấp ngoài công lập. Về đào tạo nguồn nhân lực giáo viên thì Cần Thơ thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non ở các huyện. “Hiện chỉ khoảng 50%, vì thế cần thêm 50% nữa”- ông Khiếm nhấn mạnh.

 

TP.Cần Thơ cũng đưa ra bản dự thảo thay đổi chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực giai đoạn 2010-2015. Theo bản dự thảo, đối với người có học hàm GS-TS được hỗ trợ lần đầu mức 100 triệu đồng/người; PGS-TS: 80 triệu đồng/người.

 

Người có học vị TS và Ths vào làm việc tại các cơ quan hành chính cấp TP, quận, huyện thì được hỗ trợ một lần là TS: 45 triệu đồng/người đối với người được tuyển dụng lần đầu (còn 60 triệu đồng đối với người đang công tác, có kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 5 năm), ThS: 35 triệu đồng/người (50 triệu đồng/người), Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 2: 35 triệu đồng/người (45 triệu đồng/người), Bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa 1; 30 triệu đồng/người (40 triệu đồng/người), Bác sĩ nội trú: 30 triệu đồng/người (40 triệu đồng/người).

 

Cấp xã, phường, thị trấn ngoài mức hỗ trợ 1 lần là 5 triệu đồng/người (phường, thị trấn), 6 triệu đồng/người (xã) thì hàng tháng trong vòng 3 năm được hỗ trợ thêm 600.000đồng/tháng (xã), 500.000 đồng (thị trấn) và 400.000 đồng/tháng (phường). Mức hỗ trợ hàng tháng trên cũng áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế khi được điều động về công tác ở cấp này.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Tấn Quyên- Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ đánh giá: “Chúng ta có chính sách, có nhu cầu về việc làm nhưng họ (các vị GS, PGS, TS, Ths - PV) còn băn khoăn là về đây không phải được bao nhiêu triệu, bao nhiêu m2 nhà ở mà là cơ sở vật chất làm việc như thế nào, có đáp ứng đủ để họ phát huy tài năng của mình. Đây là vấn đề mà Cần Thơ phải tính toán. Muốn tính toán thì phải đẩy mạnh đầu tư, đẩy mạnh khai thác nguồn lực của Cần Thơ hơn nửa”.

 

Cũng theo ông Quyên, mức hỗ trợ chính sách, khuyến khích thu hút nguồn lực chỉ tương đối chứ chưa cao.

 

                                                                                                            Huỳnh Hải