1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hướng dẫn viên du lịch, thừa người thiếu chất

Lượng khách ngày một gia tăng trong mùa hè đang khiến các công ty du lịch phía Nam "phát ốm" lên vì tình trạng thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nguyên nhân tình trạng thiếu nhân lực này được xác định là từ khâu đào tạo.

Công ty du lịch dã ngoại Lửa Việt đang cần tuyển thêm 30 hướng dẫn viên có tay nghề nhưng cả tháng nay tìm "đỏ con mắt" không thấy. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc công ty cho biết: "Có khi công ty nhận hơn 50 em sinh viên ngành du lịch đến thực tập làm hướng dẫn viên, nhưng sau đó số còn ở lại làm việc theo chế độ tập sự không đếm đủ trên đầu ngón tay".

Không riêng gì hướng dẫn viên, đội ngũ thiết kế tour cũng như "lá mùa thu". Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, người thiết kế tour trước hết phải là một hướng dẫn viên giỏi, đi nhiều, nhạy bén, có đầu óc và khả năng tính toán. Tuy nhiên, thật khó tìm những hướng dẫn viên "cấp 1" như vậy. Công ty Lửa Việt cũng đang cần 10 người thiết kế tour nhưng đành "bó tay", phải "mượn đầu heo nấu cháo" mà thôi.

Ông Mỹ cho rằng, chính chương trình giảng dạy trong nhà trường quá chú trọng đến lý thuyết mà không tổ chức nâng cao thực hành đã khiến các hướng dẫn viên tương lai không có điều kiện được rèn giũa những kỹ năng cần thiết. Hơn nữa công tác hướng nghiệp cũng chưa được nhà trường chú trọng ngay từ bậc PTTH.

Cùng chung quan điểm này, một nhà kinh doanh du lịch có kinh nghiệm nhận xét, hiện các hướng dẫn viên mới ra trường đang gặp những "căn bệnh" chung: yếu kỹ năng giao tiếp, hạn chế khả năng tổ chức các hoạt động hoạt náo, ngoại ngữ kém và kiến thức văn hóa, chính trị, xã hội không chuyên sâu, ít chịu khó. Người Quản lý điều hành tour công ty du lịch Morning Sun nói: "Những điểm yếu đó khiến cho các hướng dẫn viên mới khó có khả năng tồn tại và phát triển với nghề được".

Thực tế, nhiều bạn trẻ ra trường rất thiếu kinh nghiệm, chưa biết rằng có những khó khăn và sự đào thải khắc nghiệt của nghề ở phía trước. Mộng Thảo, tốt nghiệp khoa du lịch trường Đại học dân lập Văn Hiến được 2 năm, nói: "Em thích được đi đây đó nên mới chọn nghề hướng dẫn viên du lịch, đâu có biết đó là nghề làm dâu trăm họ, quá cực nhọc". Sau hai năm thử theo nghề, Thảo quyết định đổi ước mơ để đi làm nhân viên văn phòng "cho khỏe". Nhiều bạn trẻ ra trường không chịu được áp lực của nghề hướng dẫn viên nên phải chuyển sang công việc khác như Thảo.

Từ nhiều năm nay, các chuyên gia du lịch luôn nhận định rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam còn nhiều yếu kém, thiếu tính chuyên môn, nghiệp vụ và chưa được đào tạo bài bản so với thực tế. Đến nay, hầu như tình trạng này không được các trường đào tạo thay đổi chút nào.

Đơn cử, giới kinh doanh du lịch cho rằng Trường nghiệp vụ du lịch Sài Gòn chỉ chuyên về đào tạo quản lý mà không chú trọng đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên, trong khi đúng ra trường phải chuyên về đào tạo thực hành mới hợp lý. Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, tất cả các trường dạy du lịch hiện nay đều không giảng dạy theo một giáo án hay chương trình thống nhất, giáo viên phần lớn là thỉnh giảng nên trường rất bị động và lúng túng trong phương pháp giảng dạy.

Một giám đốc công ty du lịch vốn là giáo viên thỉnh giảng khoa du lịch Trường Đại học kỹ thuật công nghệ và Trường đại học dân lập Văn Lang cho biết, ông đã từng đề nghị các trường tổ chức lại chương trình giảng dạy sao cho đảm bảo thời gian thực hành nhiều hơn hoặc chí ít ngang bằng thời gian học lý thuyết. Hoặc có thể cho sinh viên nợ một phần học phí và tổ chức giới thiệu việc làm, quản lý sinh viên sau khi ra trường để đảm bảo thu hồi nợ, mục tiêu là tạo việc làm thực hành cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng vì những lý do riêng, các trường này đều không chấp nhận.

Phó giáo sư tiến sĩ Phạm Trung Lương, thuộc Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, để khắc phục tình trạng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành như hiện nay thì cần quan tâm đến các hoạt động đào tạo, đổi mới nguồn nhân lực du lịch, nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt và lâu dài. Riêng đối với lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn và cả quản lý cũng cần đào tạo cả ba cấp học như: sơ cấp, trung cấp và đại học. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay các trường phải nghiên cứu cải tiến chương trình đào tạo sao cho chương trình học của sinh viên phải luôn sát với nhu cầu thực tế, nhằm nâng cao chất lượng và trình độ cán bộ phục vụ ngành.

Theo Nguyễn Thuỳ, Phan Anh
Vnexpress