1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gánh hàng rong nặng trĩu quê hương

(Dân trí) - Đến khu thương mại Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) bên cạnh những đại gia nổi đình nổi đám bởi những contenơ hàng, quota gỗ thì có những mảnh đời thầm lặng đi sớm về khuya mưu sinh bằng gành hàng rong nơi biên giới Việt - Lào.

Nhịp nhàng những gánh hàng rong

 

Buổi sáng sớm, hình ảnh những bà mẹ bà chị rong ruổi trên những con đường phẳng lỳ để vượt khẩu qua Lào mưu sinh, hai nồi hai đầu quang gánh, nón lá và một cái ghế nhỏ để ngồi bán. Những món ăn mà họ rao bán là bún chả cá, cháo vịt, bún Huế, chè…

Hành trình của họ là từ cửa khẩu Lao Bảo sang chợ Karon (Trung tâm mua bán của khu kinh tế cửa khẩu Đensavan - Lào) quãng đường này cả đi và về cũng gần 5 cây số, sau đó họ đi sâu vào các bản làng nằm sát quốc lộ, khi nào hết hàng thì họ quay về sớm, còn không chiều tối họ mới về. Tôi gặp chị Hương (Xuân Phước, Lao Bảo) ở cổng barie cửa khẩu Lao Bảo trong lúc bỏ quang gánh xuống để xin cán bộ trực ban qua Lào, với những người đi Lào như đi chợ, như ghé qua nhà hàng xóm thế này thì khỏi mua giấy xuất hành (đi về trong ngày), nếu mua loại giấy này cũng mất 10 ngàn đồng, cộng thêm mua ở cửa khẩu Lào nữa là 5 trăm Kíp (khoảng 10 ngàn đồng). Đây là một đặc ân chỉ dành cho những người mưu sinh qua hai nước như thế này.

 

Gánh hàng rong nặng trĩu quê hương - 1

Hình ảnh những gánh hàng rong sải bước đi trên những con đường bụi đỏ, họ mang quê hương trên đôi vai nhọc nhằn, đó là một hình ảnh đẹp, rất thân thương nơi vùng biên giới.
 
Chị cho biết: “Ở chợ Karon có rất ít cửa hàng bán đồ ăn sáng Việt, nên mình đưa bún, cháo qua bán rất chạy, bên chợ Karon tiếng là chợ của Lào nhưng hơn một nửa là người Việt qua lập nghiệp, buôn bán. Một ngày vất vả đi bộ, chịu nắng mưa thế này cũng kiếm được 50 đến 70 ngàn nuôi con chú ạ”. Chị còn nói với thêm một câu trước khi bước vội: “Người bán hàng rong như tôi nhiều lắm, thôi tôi đi đây, không thôi qua muộn người ta bán hết”.

 

Còn chị Hồng quê ở vùng biển Thuận An - Huế, lấy chồng xong cùng chồng ra Lao Bảo lập nghiệp, chồng đi phụ hồ, còn chị đi bán bún riêu, chị cho hay: “Đi bộ cả ngày, ở biên giới tiếng thì dể làm ăn, nhưng không có vốn thì cũng chịu, tôi chọn cái nghề này vì ít vốn nhưng phải dậy thiệt sớm để nấu vì 6 giờ sáng là chúng tôi bắt đầu khởi hành. Tôi đã gặp một trận ốm thập tử nhất sinh khi đi bộ giữa trời nắng, bỗng nhiên đổ mưa, quang gánh trên vai, chạy không được, nên đành chịu ướt”.

 

Chị còn cho biết thêm: “Bán ở Lào họ trả mình tiền kíp, chiều tối đưa về Việt đổi sang tiền Đồng, hôm nào tiền Kíp giá cao thì lời được ít, còn không thì chẳng được bao nhiêu, coi thế này chứ cũng bấp bênh lắm, muốn có một cái quán ổn định mà bán cũng khó lắm, vốn đâu ra”.

 

Những món hàng mà người gánh hàng rong từ Việt sang bán trên đất Lào cũng nhiều thứ, họ đã “khảo sát” những gì ở Lào thiếu là họ đưa sang. Cứ thế họ đi về giữa hai nước nhịp nhàng, thầm lặng ngày qua ngày không kể nắng mưa.

 

Mang ẩm thực Việt đến đất Lào

 

Nằm sát biên giới Việt - Lào, lượng người Việt định cư và qua làm ăn ở Lào với số lượng chóng mặt, đi đâu cũng gặp người Việt với những quê quán Quảng Bình, Huế và nhiều nhất là Quảng Trị. Có người qua đây từ trước giải phóng, có người mới qua bập bẹ tiếng Lào. Họ vẫn thường qua chợ Lao Bảo, về chợ Đông Hà mua những hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm để phục vụ cho các bộ tộc Lào. Ở chợ Karon, tôi đến đây mà cứ ngỡ là chợ của người Việt, vì ai cũng chào hàng bằng tiếng Việt.

Tôi gặp gánh hàng rong của chị Phúc khi đã gần trưa, chị bảo chị bán gần hết rồi, khuôn mặt chị hớn hở trong những giọt mồ hôi lã chã, chị cho biết: “Người Việt của mình tại đây khó thích nghi được với thức ăn Lào, mình đưa hương vị Việt qua đây ai cũng thích cả, có người cả năm bận rộn không về quê, khi ăn tô bún riêu tấm tắc khen, họ bảo ăn bún riêu mà nhớ Huế”.

Tôi trò chuyện với một thực khách của Lào - chị Say pa, chị cũng sành tiếng Việt, tôi hỏi có thích món ăn Việt không, chị bảo: “Món ăn Việt nhiều món nước, của Lào hầu hết chỉ ăn khô thôi, mình thích nhất là mòn cháo vịt, ngon lắm”.

 

Những gánh hàng rong nhọc nhằn bằng những đôi chân xuyên biên giới để đưa hương vị Việt đến với những Kiều bào nơi đất người và mang một xứ mệnh khác cũng rất lớn lao là đưa hương vị Việt đến với đất Lào. Khi trò chuyện với những người gánh hàng rong về cái ý nghĩa đẹp đẽ đó, các chị cười giòn giã vì mình làm một nghề thật quan trọng, tuy nhiên niềm vui cũng không che hết những nhọc nhằn vốn có.

 

Một tiểu thương ở chợ Karon cho hay, chị là người miền Nam, qua Lào đã trên 10 năm, thi thoảng chỉ qua Lao Bảo rồi về chứ chưa có cơ hội về quê, chị tâm sự: “Sống 10 năm ở đây rồi mà chưa thích nghi với thức ăn Lào, mới đầu ăn thì thấy ngon, nhưng ăn trường kiểu này thì không ăn nổi, cũng may sáng, trưa có các chị đưa món ăn quê nhà sang, chúng tôi thích lắm”.

 

Những món ăn Việt đã được hoà cùng người dân xứ Lào khi các cư dân sống ở những vùng miền khác nhau trên đất nước hình chữ S mang đến Lao Bảo kiếm sống.

 

Hình ảnh những gánh hàng rong sải bước đi trên những con đường bụi đỏ, họ mang quê hương trên đôi vai nhọc nhằn, đó là một hình ảnh đẹp, rất thân thương nơi vùng biên giới.

 

                                                                                    Tốn Phong