1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Để sếp thấy được tầm quan trọng của bạn

(Dân trí) - Bạn nghĩ mình là người quan trọng, tuy nhiên, công ty sẽ không phá sản và thị trường chứng khoản cũng không sụp đổ nếu vắng bạn. Nhưng có một người có thể sẽ gặp khó khăn trong công việc nếu thiếu bạn, đó là sếp. Vậy phải làm gì để chứng tỏ điều đó?

Khi nghĩ về sự cần thiết của mình với công việc hàng ngày của sếp, bạn nên hỏi bản thân rằng đó là điều tích cực hay tiêu cực. Liệu bạn được coi trọng  vì tài năng của mình hay vì bạn luôn sẵn sàng đảm nhận mọi thứ trong công việc hàng ngày, kể cả chấp nhận là người làm việc vặt? Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi bị lợi dụng trong công việc trong khi bản thân luôn mong muốn được mọi người tin tưởng. Do đó, dù làm gì, hãy đảm bảo rằng sếp biết được chúng bởi sẽ không ai tiến cử bạn nếu không ai biết bạn đã làm được những gì.

 

Dưới đây là một số “ mẹo” nhỏ để sếp nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của bạn:

 

1. Ghi chép những nhiệm vụ của bạn

 

Bạn có thể nghĩ rằng mình quá bận rộn với công việc hàng ngày, lấy đâu thời gian để ghi chép lại những gì đã làm. Nhưng chỉ vài phút ghi chép lại những nhiệm vụ của mình mỗi ngày, nó sẽ mang đến cho bạn nhiều thuận lợi. Trước tiên, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn khi viết sơ yếu lí lịch. Ngoài ra, nếu sếp muốn giao cho bạn nhiều việc hơn, bạn có thể nhanh chóng liệt kê những trách nhiệm hiện tại của mình để sếp biết rằng bạn bận rộn ra sao. Nếu bạn nói “ Có” với yêu cầu của sếp, hãy hỏi sếp cách ưu tiên cho những nhiệm vụ của bạn. Sếp có thể ngạc nhiên trước lịch làm việc đầy kín của bạn mà trước đây cô/ anh ấy không để ý tới.

 

2. Hoàn thành công việc đúng thời hạn

 

Nếu sếp hỏi bạn đang làm gì, đừng ngại ngần giải thích những nhiệm vụ mới nhất của mình. Bạn không cần phải phàn nàn và kêu ca về tất cả công việc mình đã làm, chỉ cần đề cập ngắn gọn việc bạn đang làm, việc bạn vừa hoàn thành và dự án tiếp theo. Đôi khi sếp không nhận ra nhân viên của mình đang làm việc ra sao và sẽ đánh giá cao nếu nhân viên biết cách làm việc và hoàn thành công việc đúng lịch trình.

 

3. Cố gắng duy trì mọi việc theo trật tự

 

Trước khi bạn đi nghỉ dài hay nghỉ cuối tuần, cố gắng làm cho sự vắng mặt của bạn không tạo ra một khoảng trống và đảm bảo sếp biết điều đó. Chú ý tới mọi thứ bạn có thể làm trước khi đi nghỉ và cho sếp biết bạn đã sắp xếp cho sự vắng mặt của mình sao cho không gây ra bất cứ sự thay đổi nào ở mức tối đa. Bạn có thể đưa cho cô/ anh ấy một bản tóm tắt về các bước bạn đã làm và để lại thông tin liên lạc trong trường hợp có việc khẩn cấp.

 

4. Không cần hỏi sếp bạn nên làm gì

 

Bạn có thể đã nghe ai đó nói: “ Hãy mang tới giải pháp chứ không phải rắc rối cho sếp”. Đừng đặt ra cho sếp những câu hỏi như “ Tôi nên làm thế này hay thế kia?”, “ Vấn đề này cần được thực hiện ra sao?”, “ Sếp có thể kiểm tra việc này cho tôi không?”… Những câu hỏi vụn vặt như vậy sẽ khiến sếp càng thêm đau đầu giữa đống công việc bộn bề. Hãy tự mình tìm cách giải quyết vấn đề và thông báo kết quả cho sếp khi hoàn thành. Bạn có thể xin lời khuyên của sếp khi thực sự cần thiết. Theo cách đó, bạn thể hiện sự chủ động và sáng tạo – những phẩm chất được sếp coi trọng ở nhân viên.

 

Vũ Vũ

Theo CB