1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chuyển sổ bảo hiểm xã hội khi chuyển công tác

Câu 1: “Tôi là một giáo viên, tôi đã công tác được 11 năm và đóng bảo hiểm đầy đủ. Hiện tại do hoàn cảnh gia đình tôi phải đi đến một tỉnh khác để sống và làm nghề khác, vậy tôi phải làm những thủ tục gì để chuyển bảo hiểm của mình?” (HongLX)

Câu 2: “Em làm việc cho một Công ty TNHH có Văn phòng đại diện đặt tại TPHCM, trụ sở chính ở Hà Nội, em đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội hơn 3 năm. Công ty chính ngoài Hà Nội làm sổ bảo hiểm xã hội cho những người trong TPHCM.

 

Hiện nay, em đã nghỉ việc tại công ty này và muốn được thanh toán tiền bảo hiểm xã hội 1 lần vậy em phải làm những thủ tục gì? Em có nhờ công ty ngoài Hà Nội thanh toán nhưng Bảo hiểm ngoài Hà nội trả lời hộ khẩu thường trú ở đâu thì về đó thanh toán. Em mới nhập được hộ khẩu vào Gò Vấp vậy em phải liên hệ với Bảo hiểm xã hội ở đâu để được thanh toán?” (Hang Nguyen)

 

Phần tư vấn của Bộ phận tư vấn Luật lao động, Vietnamworks.com:

 

1. Chuyển sổ bảo hiểm xã hội:

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động thì người lao động làm việc tại một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thôi việc (việc thôi việc này phải theo đúng quy định của pháp luật hoặc được hai bên thoả thuận) thì người sử dụng lao động làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động; Đồng thời làm thủ tục chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sang nơi làm việc khác hoặc giao cho người lao động.

 

Sổ bảo hiểm xã hội là loại giấy tờ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp cho người lao động để quản lý quá trình làm việc và đóng bảo hiểm của người lao động, sổ này là căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Khi người lao động có sự thay đổi nghề nghiệp, nơi làm việc, mức lương đóng bảo hiểm xã hội thì phải ghi vào Sổ Bảo hiểm xã hội.

 

Theo qui định tại Điểm 7, Mục II Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/03/2003 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 9/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, khi các bên chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trong Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

 

Sau đó, doanh nghiệp giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để người lao động nộp cho doanh nghiệp mới mà người lao động sẽ làm việc, doanh nghiệp này tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thời gian đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp cũ được tính vào tổng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động khi làm thủ tục hưu trí sau này.

 

2. Thủ tục nhận trợ cấp 1 lần:

 

Theo qui định tại Điểm 7, Mục II Thông tư số 07/2003/TT-BLĐTBXH ngày 12/03/2003 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 9/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, Người lao động nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu và chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Điều lệ Bảo hiểm xã hội, thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trong sổ bảo hiểm xã hội thời gian đóng bảo hiểm xã hội, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Sổ bảo hiểm xã hội được giao cho người lao động quản lý.

 

Sau khi nhận sổ bảo hiểm xã hội, nếu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tiếp tục đóng. Trường hợp người lao động gặp rủi ro bị chết thì gia đình được hưởng chế độ tử tuất, nếu ốm đau (có xác nhận của bệnh viện) hoặc sau 6 tháng không tiếp tục làm việc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người lao động có đơn tự nguyện, thì cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người lao động cư trú giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần.

 

Theo H.Hồng

Tuổi Trẻ