1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chủ Hàn Quốc lĩnh án 40 năm tù vì hành hạ công nhân

Lee Soo-kil, 52 tuổi, chủ một nhà máy dệt may ở Samoa, hôm qua bị toà án Mỹ kết án 40 năm tù vì bắt hơn 200 công nhân Trung Quốc và Việt Nam làm việc trong điều kiện "nô lệ thời hiện đại".

Lee và cấp dưới đã bắt bớ, trục xuất và đánh đập để kiểm soát nhân công.

Thẩm phán Susan Mollway cho rằng bị cáo đáng nhận bản án này vì đã gây tổn hại tài chính, tâm lý và thân thể cho lao động nhập cư. Lee đã chứng tỏ tính tham lam, ngạo mạn và coi thường luật pháp Mỹ. Đây là bản án nặng nhất với tội bóc lột lao động trong các vụ truy tố tương tự.

Nhà chức trách Mỹ ca ngợi bản án dành cho chủ nhà máy Hàn Quốc. "Bóc lột con người là một tội ác về mặt lương tâm không khác gì nạn nô lệ thời hiện đại", Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales nói. "Bản án đã kết thúc vụ bóc lột con người lớn nhất mà Bộ Tư pháp từng truy tố. Chúng tôi sẽ tiếp tục truy tố tất cả những người tìm cách kiếm lợi từ những nỗi khổ sở của người khác".

Về phần mình, Lee cho rằng bản án là "không công bằng". Luật sư của ông ta tuyên bố sẽ kháng án.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các công nhân làm việc cho ông chủ Hàn Quốc này được tuyển từ Trung Quốc và Việt Nam. Mỗi người phải trả phí từ 5.000-8.000 USD để có việc làm ở đây. Tất cả có thể bị trừng phạt nếu bị đưa trả về nước. Vì vậy, Lee và cấp dưới đã dựa vào điểm này để buộc lao động phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, lương thấp.

Trong phiên toà, các nhân công tuổi từ 20-45 đã phàn nàn về việc họ luôn bị đe doạ sẽ bị bắt bớ, đánh đập và trục xuất nếu không chịu tuân lệnh. Người lao động gầy mòn, trọng lượng trung bình có 35 kg khi rời khỏi nhà máy. Họ bắt đầu phàn nàn từ đầu năm 1999 và thậm chí phải xin thức ăn từ cư dân địa phương.

Giám đốc Lee là người cuối cùng bị trừng phạt trong cuộc điều tra. Tháng 1/2004, một quản lý nhà máy của Lee nhận bản án 70 tháng tù và một công nhân may 51 tháng tù.

Tháng 2/2003, Lee, giám đốc nhà máy dệt may Daewoosa ở Pago Pago, bị kết án với 14 tội danh, trong đó có âm mưu, vô tình bắt người khác làm nô lệ, tống tiền và rửa tiền sau phiên toà kéo dài 4 tháng.

Bộ Tư pháp Mỹ đẩy mạnh truy tố các vụ bóc lột con người trong những năm gần đây. Kể từ tháng 1/2001, cơ quan này đã mở 400 vụ điều tra và truy tố 215 người.

Theo Nguyễn Hạnh 
Vnexpress/AFP