1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chỗ làm việc “an toàn”

(Dân trí) - Bàn làm việc của bạn thế nào? Đó là một nơi ngăn nắp đầy tính sáng tạo ngay cạnh cửa sổ với tầm nhìn hướng ra một công viên? Đó là một mớ lộn xộn với hàng đống giấy tờ, bàn phím lọc xọc và một chiếc đèn đung đưa lúc mờ lúc tỏ?

Để có một chỗ ngồi làm việc “an toàn” - cho sức khỏe và cho cả sự nghiệp của bạn - hãy làm theo vài lời khuyên sau:

 

1. Ngồi thẳng lưng

 

Đúng là ngồi thẳng nhưng không hẳn là như vậy. Theo các nghiên cứu về lao động thì góc ngồi tốt nhất là nghiêng 110 độ so với bàn làm việc của bạn chứ không phải 90 độ.

 

Ông Tim Hutchful, chuyên gia chữa các bệnh về xương khớp ở Leicester cho biết như vậy. Cũng theo ông này thì tư thế ngồi bàn làm việc lý tưởng nhất là tư thế của người vẽ đồ án vì nó phù hợp với các đường cong tự nhiên của cơ thể con người.

 

2. Hiểu rõ về đồ đạc xung quanh

 

Các đồ dùng nơi làm việc có thể làm được nhiều việc hơn bạn tưởng. Ngay cả khi các chất nhồi làm nệm có thể bị rách tung toé thì những chiếc ghế văn phòng bao giờ cũng được thiết kế sao cho tương thích với chiếc bàn. Do đó, bạn hãy thử nghiêng ghế về phía trước khoảng 4 độ và nghiêng phần sau của chiếc ghế tựa một chút mặc dù có thể sẽ hơi khó chịu khi phải tập làm quen với một tư thế ngồi mới. Ghế và bàn cần phải được kê theo tỉ lệ tương ứng, bạn có thể kiểm tra lại bàn làm việc, có thể nó còn có thêm phần chân để hiệu chỉnh độ cao khi cần.

 

3. Tối ưu không gian bàn làm việc

 

Tại sao bạn lại đặt điện thoại ở bên phải máy tính trong khi bạn luôn dùng tay trái trả lời khi ai đó gọi đến. Hãy sửa lại những vị trí như thế sao cho tiện lợi nhất cho bạn, hãy sắp xếp các tập tài liệu ở gần để bạn khỏi phải với mỗi khi cần tìm kiếm thứ gì, như thế cũng sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho bạn.

 

4. Không dùng kiểu bàn cố định

 

Có thể bạn không được quyền nhiều lựa chọn trong việc này, vì vậy hãy tìm hiểu về tính linh hoạt của các đồ dùng tại nơi làm việc. Nếu buộc phải dùng loại bàn bình thường (không thể điều chỉnh độ cao) bạn nên tìm chiếc ghế có thể hiệu chỉnh chiều cao và độ nghiêng mỗi khi cần sử dụng.

 

5. Giao tiếp với những người khác

 

Bạn không nên chỉ ngồi làm việc suốt ngày, hãy đứng dậy, đi lại và trò chuyện với các đồng nghiệp. “Giao tiếp chính là mấu chốt của sáng tạo”, đó là quan điểm của Mark Spragg, giám đốc quản lý của Steelcase, hãng thiết kế đồ nội thất tại Anh. “Nếu bạn tự bó buộc mình ở nơi làm việc, nếu bạn quay lưng lại với các đồng nghiệp khác, nó sẽ cản trở sự sáng tạo của bạn. Do đó, bạn nên bố trí chỗ ngồi sao cho có thể giao tiếp với các đồng nghiệp thuận lợi nhất khi cần.

 

6. Hiểu biết về sức khoẻ và sự an toàn cho bản thân

 

Ông Roger Bibbins, chuyên gia tư vấn của Hiệp hội phòng ngừa tai nạn Hoàng gia cho rằng: “Gánh nặng to lớn về sức khoẻ và sự an toàn là thuộc về người chủ nhưng chính nhân viên sẽ phải giải quyết điều đó”. Bạn có thể làm cho môi trường làm việc của mình an toàn hơn bằng cách báo cáo về những trục trặc mới xảy ra như những lỗi hỏng hóc chưa gây thương tích để người quản lý biết những chỗ tiềm ẩn tai nạn. Những chỗ hỏng hóc hay đổ vỡ chính là nguyên nhân lớn nhất gây tai nạn trong môi trường công sở.

 

7. Tình nguyện trở thành người đại diện cho vấn đề an toàn

 

Cũng theo ông Bibbins thì việc “Đặt ra những câu hỏi thiết thực về sức khoẻ và sự an toàn là một trong những việc chủ yếu các nhân viên có thể làm”.

 

8. Kiểm soát

 

Nói thì dễ hơn làm nhưng “căng thẳng không phải là do phải làm việc quá lâu mà là do thiếu kiểm soát”. Bạn nên tìm kiếm những công việc linh hoạt như là cách để kiểm soát phương thức làm việc của mình.

 

9. Những người làm việc tại nhà nên lưu ý

 

Tất cả các điểm vừa nêu trên chỉ áp dụng nhiều với những người làm việc ở nhà giống như họ vẫn làm việc tại công sở.

 

10. Tìm hiểu về điều kiện làm việc thực tế của công ty khi phỏng vấn

 

Trong mơ ước, chúng ta thường mong muốn được làm việc tại một văn phòng có khu vực uống cà phê, có ghế sô pha nằm nghỉ và có những bàn làm việc được thiết kế thật phù hợp với mỗi người. Với một số người điều này là hiện thực song nếu bạn chưa đi làm ở đâu, đừng quên hỏi về điều kiện làm việc thực tế của công ty ngay trong buổi phỏng vấn xin việc.

 

Đỗ Dương

Theo Timesonline