1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển: Khi cung đã vượt xa cầu

(Dân trí) - Tại Nghệ An, từ năm 2010 tới nay, mới chỉ có 118/259 sinh viên hệ cử tuyển được bố trí việc làm. Hiện, toàn tỉnh đang có 145 sinh viên hệ cử tuyển theo học ở các trường ĐH,CĐ. Bài toán bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển vốn đã khó giải quyết nay càng khó hơn gấp bội phần khi cung đã vượt quá xa cầu!


Không ít cử nhân miền núi Nghệ An không được bố trí việc làm, đành ở nhà chăn nuôi phụ giúp bố mẹ (ảnh Hoàng Tùng).

Không ít cử nhân miền núi Nghệ An không được bố trí việc làm, đành ở nhà chăn nuôi phụ giúp bố mẹ (ảnh Hoàng Tùng).

Năm 2007, Nguyễn Văn Đông (xã Tân Hợp, Tân Kỳ, Nghệ An) được cử đi học tại Trường ĐH Dược Hà Nội theo chính sách cử tuyển. Tháng 9/2016, Đông tốt nghiệp ra trường nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí công việc. Vừa rồi, Đông đã phải “cầu cứu” các cơ quan chức năng để nguyện vọng “được phục vụ đồng bào quê hương” sớm trở thành hiện thực.

Đông chỉ là 1/141 người hoàn thành chương trình học theo diện cử tuyển tại Nghệ An từ năm 2010 tới nay chưa được bố trí việc làm. Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ Nghệ An, mới chỉ có 118 trên tổng số 259 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN (chiếm 45,5%) được bố trí việc làm. Cụ thể, huyện Quế Phong có 13/43 người, Con Cuông có 14/44, Kỳ Sơn 28/43, Tương Dương là 17/34, Quỳ Hợp 9/19, Thanh Chương 310, Quỳ Châu 20/33 và Tân Kỳ 6/10 người.

Việc cử con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học theo hệ cử tuyển nhưng không bố trí được việc làm khi ra trường là một sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách cũng như thời gian, công sức của chính các em.

Các em học sinh dân tộc thiểu số vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ra trung tâm huyện đi học (ảnh minh họa).
Các em học sinh dân tộc thiểu số vượt lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ra trung tâm huyện đi học (ảnh minh họa).

Trước thực tế này, từ năm 2015 đến nay, Nghệ An tạm thời không cử học sinh đi học theo chính sách cử tuyển. Nhưng hiện toàn tỉnh đang có 145 sinh viên hệ cử tuyển theo học ở các trường đại học, cao đẳng trong đó nhiều nhất là Đại học Y Thái Bình (51 người), Đại học Vinh (24 người), Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (18 người)… Con số này cũng gây sức ép không nhỏ trong việc bố trí, giải quyết việc làm cho con em người dân tộc thiểu số được cử đi học.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Công chức - Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, trong những năm gần đây, chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức không tăng, trong khi đó, các địa phương đang thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Bởi vậy, việc sắp xếp, bố trí công việc cho sinh viên cử tuyển càng thêm khó khăn. Việc sắp xếp công việc cho sinh viên hệ này cũng gặp khó khăn do chính sách tuyển dụng không thống nhất.

Sắp tới, chỉ những học sinh có học lực loại khá trở lên ở trường THPT mới thuộc diện cử đi học đại học (trong ảnh là học sinh Trường THPT Tương Dương trong một giờ học).
Sắp tới, chỉ những học sinh có học lực loại khá trở lên ở trường THPT mới thuộc diện cử đi học đại học (trong ảnh là học sinh Trường THPT Tương Dương trong một giờ học).

Nếu Nghị định 134 của Chính phủ quy định, người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận và phân công công tác thì theo Luật Công chức và Viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức phải thực hiện thi tuyển hoặc xét tuyển. Trên thực tế, trong các đợt thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, các sinh viên không thuộc diện cử tuyển lại có nhiều ưu thế và kết quả tốt hơn.

Về nguyên nhân của việc sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng không được bố trí việc làm là do việc xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển của các địa phương ban đầu không sát với thực tiễn. Các huyện đều xây dựng chỉ tiêu đề nghị cử đi học theo chế độ cử tuyển cao hơn nhu cầu tuyển dụng thực tế, dẫn đến tình trạng “thừa cung”.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu công việc, nhiều vị trí công việc dự kiến dành cho sinh viên cử tuyển đã được bố trí trong thời gian đối tượng này còn đang học.

Nhiều học sinh dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền Tây Nghệ An đi học theo diện cử tuyển với mong muốn sau khi học xong có thể góp sức phát triển bản làng nhưng hơn một nửa số đó không được bố trí công việc.
Nhiều học sinh dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền Tây Nghệ An đi học theo diện cử tuyển với mong muốn sau khi học xong có thể góp sức phát triển bản làng nhưng hơn một nửa số đó không được bố trí công việc.

Trước tình trạng “thừa cung” đối với sinh viên diện cử tuyển, bên cạnh tạm dừng thực hiện chính sách cử con em đồng bào dân tộc thiểu số đi đào tạo theo diện này, hiện, tỉnh Nghệ An đang giao các cơ quan có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh quy định cử tuyển.

Bên cạnh giảm số lượng cử tuyển, nâng cao chất lượng đối tượng được cử đi học (lựa chọn học sinh có kết quả học tập tại các trường THPT đạt loại khá trở lên), chỉ cử đi đào tạo đối với những ngành địa phương còn thiếu và có cơ chế để bố trí việc làm đối với người được cử đi học sau tốt nghiệp.

Đó là biện pháp dài hơi, còn trước mắt, bố trí việc làm cho hàng trăm sinh viên cử tuyển đã và sắp ra trường vẫn đang là bài toán khó giải quyết!

Hoàng Lam