1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

5 động lực để nhân viên làm việc

Thay vì luôn suy nghĩ về những yêu cầu của mình đối với nhân viên, bạn đã bao giờ đặt câu hỏi ngược lại: Nhân viên thực sự mong muốn những gì ở lãnh đạo? Nếu hiểu hết được điều này, bạn có thể cải thiên mối quan hệ với nhân viên và nâng cao hiệu suất làm việc của họ.

1. Được trọng dụng và khen thưởng đúng năng lực

Bất kì nhân viên nào cũng mong muốn được khẳng định năng lực của mình trong công việc. Nếu những nỗ lực của họ không được bạn xem trọng thì họ sẽ thực sự chán nản và thất vọng. Một nhà lãnh đạo tốt là người biết tin tưởng và khích lệ kịp thời những cố gắng của nhân viên. Có vậy, họ mới có động lực phấn đấu và cống hiến hết mình cho công việc.

Nhân viên cần được cấp trên xem trọng những nỗ lực phấn đấu của họ. Ảnh minh họa
Nhân viên cần được cấp trên xem trọng những nỗ lực phấn đấu của họ. Ảnh minh họa

2. Được tự do ngôn luận và đóng góp ý kiến trong công việc

Nhiều lãnh đạo khá cứng nhắc trong việc lắng nghe những đóng góp của nhân viên. Điều đó khiến họ cảm thấy mình không được tự do hay có quyền gì trong công việc của mình. Họ sẽ không thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ cá nhân cùng cấp trên. Thực tế, việc từ chối lắng nghe ý kiến của nhân viên khiến các nhà lãnh đạo đôi khi sẽ bỏ sót nhiều đóng góp có ích và quan trọng.

3. Được đối xử công bằng

Điều mà các nhân viên luôn mong muốn đó là một môi trường làm việc công bằng và văn minh. Ở vai trò là cấp trên, bạn không nên thiên vị hay đối xử bất công với bất kì nhân viên nào của mình. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu và ấm ức nếu bạn đối xử không công bằng. Công bằng là một mấu chốt quan trọng để một tập thể hoạt động tốt.

4. Được tăng lương hợp lý và các chế độ đãi ngộ tốt

Nhân viên sẽ cống hiến hết sức khi nhận được chế độ đãi ngộ tốt và mức lương hợp lý. Ảnh minh họa
Nhân viên sẽ cống hiến hết sức khi nhận được chế độ đãi ngộ tốt và mức lương hợp lý. Ảnh minh họa

Không một ai có thể thoải mái làm việc nếu họ cảm thấy mình đang bị "bóc lột" quá đáng. Nhân viên luôn mong muốn nhận được các chế độ đãi ngộ tốt và mức lương tương ứng với năng lực của họ. Bạn không thể đưa ra mức lương "rẻ mạt" mà mong muốn nhân viên của mình cống hiến hết sức cho bạn, bởi vì họ sẽ chẳng có tâm trí nào mà làm việc hết mình.

5. Ngưng "sai vặt"

Ai cũng muốn làm việc đúng chuyên môn của mình. Bạn không thể thuê một nhân viên ở một vị trí nhất định nhưng lại bắt họ phải làm rất nhiều công việc không liên quan đến chuyên môn. Điều đó thực sự thiếu chuyên nghiệp và giống như bạn đang bóc lột nhân viên của mình. Ai cũng muốn tập trung vào công việc của mình thay vì bị sếp "sai vặt".

Theo Báo Người lao động