1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ được hỗ trợ hơn 72 triệu đồng

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí chiều 10/2, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, do chưa có tiền lệ nên mức hỗ trợ 3 thuyền viên bị cướp biển bắt phải theo quy trình xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Do đó, tới nay Bộ LĐ-TB&XH mới chính thức công bố.


Thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (1/3 thuyền viên bị bắt cóc) trở về trong vòng tay gia đình.

Thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (1/3 thuyền viên bị bắt cóc) trở về trong vòng tay gia đình.

Trước đó, ngày 9/2, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành công văn số 154/QĐ-BLĐTBXH với nội dung hỗ trợ rủi ro đối với 3 thuyền viên là lao động của Tổng công ty công nghiệp ô tô - CTCP (Vinamotor), làm việc trên tàu cá Đài Loan bị hải tặc Somalia bắt giữ từ tháng 3/2012 tới tháng 10/2016.

Số tiền hỗ trợ là 24.030.000 đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ là 72.090.000 đồng. Nguồn kinh phí trích từ Quỹ hỗ trợ ngoài nước do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Công văn ghi rõ, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước chuyển số tiền hỗ trợ cho 3 lao động về Tổng công ty công nghiệp ô tô - CTCP (Vinamotor). Đơn vị này có trách nhiệm chi trả cho người lao động chậm nhất 5 ngày kể từ khi nhận được nguồn kinh phí trên chuyển tới.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nếu chiếu theo quy định hiện hành, mức hỗ trợ người lao động trong trường hợp rủi ro như trên chỉ khoảng 5.000.000 đồng/người. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH phải tính toán một cơ chế hỗ trợ đặc thù và cần thời gian xin ý kiến các cơ quan liên quan.

Được biết, tháng 3/2012, trong khi đang làm việc trên tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan, các thuyền viên đã bị cướp biển Somalia tấn công và bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương).

Trong số các thuyền viên bị bắt có 3 thuyền viên người Việt Nam là Nguyễn Văn Hạ, quê ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Phan Xuân Phương, xã Nghĩa Yên huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Xuân, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Các thuyền viên này được Tổng công ty công nghiệp ô tô - CTCP (Vinamotor) phái cử sang làm việc cho doanh nghiệp chủ tàu trước đó.

Sau hơn 4 năm bị cướp biển Somalia giam giữ, 3 thuyền viên trên đã trở về nước vào ngày 25/10/2016. Hoàn cảnh 3 gia đình 3 thuyền viên trên còn khó khăn.

Trao đổi PV Dân trí trước đó, đại diện Vinamotor cho biết, từ năm 2013 đến nay, đơn vị này đã thăm hỏi hỗ trợ gia đình thuyền viên 15 triệu đồng/gia đình và đã thanh toán tiền đặt cọc chống trốn cho gia đình lao động cả gốc và lãi vào tháng 5/2013. Tổng Công ty Vinamotor cũng chuyển 5.000 USD đến Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam để Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania mua vé máy bay cho 3 thuyền viên trên về nước.

Hoàng Mạnh