Vụ “Những kẻ lắm lời” gây tổn thương nghệ sỹ: Sao không xử phạt đơn vị sản xuất?

(Dân trí) - Cho đến thời điểm này dù đã có nhiều nghệ sỹ bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trước talk show “Những kẻ lắm lời” nhưng các clip trên Youtube vẫn chưa được gỡ xuống. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Vì sao không xử phạt đơn vị sản xuất talk show này hoặc nhân vật có liên quan?

Liệu có phạt được Youtube?

Chuyện talk show “Những kẻ lắm lời” do MC Thùy Minh - Stylist Ngọc Minh và nhà văn trẻ Ngọc Thạch “cầm trịch” gây ồn ào trong giới showbiz và gây bất bình cho nhiều khán giả khi có những nội dung khiến nghệ sỹ bị tổn thương cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tất cả các clip tồn tại trên trang Youtube chưa được gỡ xuống nhưng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã vào cuộc điều tra. Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục này cho biết, đến thời điểm này Cục vẫn đang xem lại hơn 20 tập talk show này để định lượng mức độ vi phạm rồi đối chiếu với pháp luật mà xử phạt.

Tuy nhiên, có một điều là tất cả các talk show này đều phát trên trang Youtube mà Youtbe lại là một trang mạng xã hội của nước ngoài. Trang này dù có đề ra những “Nguyên tắc cộng đồng” nhưng lại cho phép các cá nhân lập tài khoản đăng clip không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào. Với hình thức này, bất kỳ ai có nhu cầu đăng tải clip lên Youtube chỉ cần vài thao tác là dễ dàng đạt được mục đích. Chính các clip có nội dung tục tĩu của Mr. T và phim ngắn “Căn hộ số 69” có nhiều cảnh quay phản cảm gây ồn ào dư luận vào năm ngoái đã được phát tán bằng hình thức này. Với hình thức này, Youtube thường vô can khi có bất kỳ chuyện xảy ra.

Bên cạnh đó, Youtube là một cộng đồng video trực tuyến lớn nhất thế giới nhưng lại không hề có đại diện ở Việt Nam. Trang mạng xã hội này chỉ có các đối tác, trong đó có một đối tác là được cấp giấy chứng nhận còn lại đều chỉ thuộc dạng khách hàng trung gian. Ngay cả khi sự việc xảy ra, phóng viên liên lạc với rất nhiều đối tác của Youtube tại Việt Nam nhưng cũng chẳng bên nào phát ngôn được gì. Vì vậy việc tìm được đại diện của Youtube để phạt nghe chừng không phải dễ.

Công ty POPS Worldwide - đối tác được cấp giấy chứng nhận của Youtube tại Việt Nam cho biết: “Là đối tác nên chúng tôi cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của sân chơi này. Đối với các kênh đối tác, chúng tôi cũng luôn lưu ý các nội dung được họ chia sẻ lên và tích cực góp ý với các đối tác để hạn chế tối đa các nội dung trái với thuần phong mỹ tục, phản văn hóa hoặc các nội dung vi phạm pháp luật. Riêng chương trình “Những người lắm lời” thì không phải nội dung trên kênh thuộc mạng lưới của công ty nên chúng tôi không có bình luận gì”.

Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản (Bộ TT&TT) cũng chia sẻ, talk show “Những kẻ lắm lời” được phát sóng trên YouTube là người trong nước đồng thời xác định được nội dung vi phạm thì sẽ dễ xử lý vì cứ thế chiếu theo luật, còn nếu người thực hiện việc sản xuất ra chương trình đó và tung các clip đó lên YouTube bởi người nước ngoài thì cơ quan nhà nước rất khó xử phạt.

Sao các nhân vật liên quan lại không bị phạt?

Ngay sau khi bài báo: “Những kẻ lắm lời”: Sẽ bị xử nghiêm khi có đủ căn cứ theo đúng quy định của pháp luật” đăng trên Dân Trí điện tử ngày 22/11 đã có rất nhiều độc giả bày tỏ sự phản ứng mạnh mẽ trước talk show “Những kẻ lắm lời” và đặt ra câu hỏi “Vì sao không xử phạt đơn vị sản xuất talk show này hoặc nhân vật có liên quan?”.

Một độc giả có nick name Lin Da viết: “Cần gì biết trang phát hành hay công ty sản xuất, những lời dung tục, trơ trẽn, vô văn hóa kia phát ra từ miệng ai thì cứ xử lý những người đó”.

Theo tìm hiểu talk show này do công ty Monday Morning sản xuất, dưới sự dẫn dắt của MC Thùy Minh, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch và stylist Lê Minh Ngọc. Cả 3 người này đều là những người hoạt động tự do trong 3 lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc phạt 3 nhân vật này theo luật nào và cơ quan nào có quyền xử phạt thì hiện tại vẫn chưa cơ quan chức năng nào lên tiếng

Càng khó hơn khi cho đến thời điểm này, trong số các “nạn nhân” của chương trình mới chỉ có một vài người lên tiếng phản ứng còn một số người bỏ qua coi như đó là thứ “rác rưởi” không đáng bận tâm. Người mạnh miệng nhất như Đông Nhi cũng chỉ nói được rằng “nếu sự việc bị đẩy đi quá xa sẽ nhờ luật sư khởi kiện” chứ chưa ai có động thái nào về việc khiếu kiện công ty sản xuất talk show này hay 3 nhân vật dẫn chương trình. Điều này càng khiến cho sự việc bị rối rắm bởi các cơ quan quản lý văn hoá chẳng biết dựa vào đâu để xử phạt.

Ông Ngô Huy Toàn cho rằng, nếu cơ quan quản lý nhận được đơn tố cáo của nạn nhân mới có căn cứ để xác định hành vi vi phạm mà xử phạt. “Khi cơ quan chức năng xử phạt với hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của một người nhưng người được đề cập trong đó (nạn nhân) lại nói rằng tôi có thấy bị xúc phạm gì đâu thì rất dở”, ông Toàn nói.

Tất nhiên, nếu đã có cơ sở rồi thì cơ quan quản lý sẽ tìm hiểu để xác định xem tài khoản Youtube kia là của công ty và việc đưa lên Youtube là chủ trương của công ty thì sẽ xử phạt công ty, nếu là của cá nhân (độc lập với công ty) thì xử phạt cá nhân.

Việc xử phạt sẽ được căn cứ theo Nghị định số 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” thì công ty này có thể sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm g khoản 3 Điều 66).

Từ thực tế này cho thấy, việc quản lý và xử phạt các trang web nước ngoài hiện nay ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hỏng. Và dù đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này nhưng cho đến nay Bộ Thông tin – Truyền thông vẫn chưa tìm đưa ra được quyết định cụ thể. Thiết nghĩ, với đà phát triển như vũ bão của các trang mạng trực tuyến hiện nay, việc cần kíp phải đưa ra những chế tài và quy định cụ thể để xiết chặt các vấn nạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải được quan tâm hơn nữa.

Hà Tùng Long