Hơn 120 nghìn du khách đổ về Chùa Hương trong 3 ngày đầu năm

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương 2017 cho biết, trong 3 ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết đã có hơn 120 nghìn du khách đến Chùa Hương.

Theo truyền thống, Lễ hội Chùa Hương sẽ khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch nhưng từ ngày mùng 2 Tết, lượng khách về du xuân trẩy hội rất đông.

Các cơ quan ban ngành của huyện Mỹ Đức cũng đã ra quân vào 5h sáng ngày mồng 2 để đảm bảo công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, trong những ngày qua Lễ hội diễn ra tốt đẹp. Trong 3 ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết đã có hơn 120 nghìn du khách đến Chùa Hương.


 

Du khách nườm nượp kéo về Chùa Hương từ đêm mồng 2 Tết Nguyên đán. Ảnh: TĐ.

Du khách nườm nượp kéo về Chùa Hương từ đêm mồng 2 Tết Nguyên đán. Ảnh: TĐ.

So với năm 2016, lượng khách đến trong 3 ngày đầu xuân tăng 7000 lượt. Các điểm dịch vụ năm ngoái là 318 cửa hàng, năm nay vẫn duy trì 318 cửa hàng. Các cửa hàng cũng đã tiến hành bốc thăm, chọn vị trí. Riêng mức phí năm nay tăng theo quy định của cơ quan thuế. Theo đó, giá vé tham quan Chùa Hương tăng từ 49.000 đồng lên 80.000 đồng, vé đò là 50.000 đồng.

Theo ông Hậu, công tác an ninh trật tự cho Lễ hội Chùa Hương đã được UBND huyện Mỹ Đức, Công an TP. Hà Nội... tham gia và đưa ra nhiều phương án xử lý rất cụ thể.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho người dân tham gia Lễ hội cũng được đẩy mạnh. Văn hóa ứng xử phải văn minh, lịch sự, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tất cả các loại hàng hóa tại Lễ hội phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước khi vào Lễ hội, BTC đã tiến hành tập huấn cả luật giao thông đường bộ, đường thủy, luật di sản, luật du lịch… cho người dân.

Về công tác ứng xử thì với những người chèo đò, ngoài việc chào mời cũng phải nói rõ về vấn đề giá cả. Tinh thần phục vụ niềm nở, thân thiện. Những người bán hàng phải đảm bảo sự văn minh, lịch sự, có niêm yết bảng giá rõ ràng.

“Tôi nghĩ rằng Lễ hội trong nhiều năm qua đã làm tốt nhưng tốt hay không còn phụ thuộc vào ý thức du khách tham gia. Trên các tuyến đường bộ, đường thủy đều có các biển quảng cáo trực quan thông báo về giá vé đò, giá vé tham quan, trách nhiệm bảo vệ môi trường, mua bán cần có sự thỏa thuận trước, đề phòng trộm cắp, móc túi… Muốn Lễ hội thành công thì ý thức du khách đóng một vai trò hết sức quan trọng”, ông Hậu nhấn mạnh.

Đò chở khách Chùa Hương bắt buộc phải trang bị phao cứu sinh. Ảnh: TL.
Đò chở khách Chùa Hương bắt buộc phải trang bị phao cứu sinh. Ảnh: TL.

Ông Hậu cho rằng, rút kinh nghiệm về vấn đề bất cập trong giao thông đường thủy của năm 2016 đã xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Năm nay, 4500 đò chở khách vào ra đã được sửa sang, trang bị đầy đủ phao cứu sinh. Bên cạnh đó, các tổ tuần tra, tuần lưu trên suối để sẵn sàng giải quyết việc cứu hộ, cứu nạn có thể xảy ra. Tất cả đều có các phương án đề phòng ngừa.

Và để tránh tình trạng thuyền máy hoạt động tạo sóng làm nước tràn vào đò, năm nay BTC đã cấm tuyệt đối thuyền máy hoạt động. Trừ các thuyền đi làm nhiệm vụ thì các lượng lượng tham gia phải mặc sắc phục và các phải cắm cờ.

Năm nay, các công trình vệ sinh công cộng miễn phí, sạch sẽ. Các nguồn nước cũng được Sở TN&MT kiểm tra. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có các tổ kiểm tra liên ngành tiến hành của Trung tâm y tế, thú y bảo vệ thực vật của huyện Mỹ Đức kiểm tra triệt để.

“Tôi nghĩ rằng những vấn đề về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm trong những năm trở lại đây đã được thực hiện khá tốt. Trong những ngày vừa qua du khách cũng đã chia sẻ rất phấn khởi”, ông Hậu bày tỏ thêm.

Để hạn chế tình trạng chèo kéo khách dọc đoạn đường từ Hà Đông về Mỹ Đức, năm nay, BTC cũng đã lực lượng làm công tác trật tự giao thông. Trên địa bàn Mỹ Đức đã giao cho đội thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và công an các xã trên địa bàn giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Những ngày sắp tới vào các giờ cao điểm như: tan học, họp chợ đều sẽ có các lực lượng công an, thanh tra, thanh niên tình nguyện tham gia điều tiết giao thông.

Lễ khai hội Chùa Hương sáng mồng 6 Tết âm lịch. Ảnh: ĐV.
Lễ khai hội Chùa Hương sáng mồng 6 Tết âm lịch. Ảnh: ĐV.

Về sinh hoạt văn hóa tâm linh theo ông Hậu thì Chùa Hương thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát nên chuyện mang vàng mã vào đốt là không được phép. Ngoài ra, nhiều năm nay Chùa Hương cũng không cho du khách thắp hương để đảm bảo phòng chống cháy nổ.

Về tình trạng “chặt chém” ở các quán hàng, ông Hậu khẳng định, nhiều năm trở lại đây đã không còn tình trạng này nữa. Bây giờ du khách đi Chùa Hương đã quen với các nhà hàng. Ngay trong khu vực các hàng ăn trong khu vực Hương Tích hiện nay đã làm chuyên nghiệp, không còn chuyện chặt chém trong nhiều năm nay.

“Cho đến ngày hôm nay, chưa có chuyện gì xảy ra. Suốt 3 tháng diễn ra Lễ hội, với những kinh nghiệm đã có, chúng tôi nghĩ rằng công tác triển khai mùa lễ hội sẽ diễn thành công”, ông Hậu khẳng định.

Hà Tùng Long