Câu chuyện bèo hoa dâu

Viên Minh

(Dân trí) - Cuốn sách chứa đựng khối lượng kiến thức về lịch sử, địa lý, đặc biệt trong lĩnh vực nông học.

Câu chuyện bèo hoa dâu (Azolla) - Một thông điệp từ tương lai của hai tác giả Jonathan Bujak và Alexandra Bujak, do Nhà xuất bản Tri thức phát hành tại Việt Nam năm 2022.

Bèo hoa dâu (tên khoa học là Azolla) là loài thực vật sinh sôi nhanh nhất trên hành tinh. Nó phát triển không cần đất, cung cấp nguồn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, là nguồn phân bón sinh học và có ở mọi nơi trên thế giới.

Cuốn sách bắt đầu với thông điệp: "Hãy tưởng tượng để bạn có chút hình dung về một loài thực vật độc đáo có tên Azolla và cách nó có thể giúp con người vào thời điểm quan trọng này".

Câu chuyện bèo hoa dâu - 1

Bìa sách "Câu chuyện bèo hoa dâu (Azolla) - Một thông điệp từ tương lai" (Ảnh: NXB Tri thức).

Tác phẩm được chia thành ba phần: Quá khứ, Hiện tạiTương lai. Độc giả sẽ tham gia vào cuộc khám phá và tìm hiểu về bèo hoa dâu với những tiềm năng đáng kinh ngạc của nó.

Trong Quá khứ, cách đây 49 triệu năm, bèo hoa dâu bao phủ các khu vực rộng lớn của Bắc Băng Dương. Loài thực vật này đã làm giảm mối đe dọa của biến đổi khí hậu cũng như nhiều thách thức khác.

Nó cũng cho thấy cách con người có thể sử dụng quá khứ để hiểu hiện tại và khai thác kiến thức đó để định hình tương lai.

Phần Hiện tại mô tả cơn bão hủy diệt mà con người đã tạo ra khi dân số trái đất cứ 3 ngày lại tăng hơn một triệu người. Liệu con người có thể vượt qua cơn bão này?

Hiện tại chỉ ra cách mà bèo hoa dâu giảm thiểu các đe dọa của "cơn bão", sau đó đưa con người đến các khu vực khác nhau trên thế giới.

Tại Ấn Độ, bèo hoa dâu được tôn sùng như một loài thực vật kỳ diệu biến đổi cuộc sống của những nông dân sản xuất nhỏ với khoản vốn dưới một đô la Mỹ một năm.

Đến Ecuador, nơi bèo hoa dâu giúp tiết kiệm hơn một tỷ đô la mỗi năm và bảo vệ hệ sinh thái quý giá của đất nước này.

Tại Sierra Leone, bèo hoa dâu được sử dụng làm phân bón sinh học trên đồng lúa giúp tăng gấp đôi năng suất, ngăn chặn nạn phá rừng và cung cấp nguồn thực phẩm bền vững cho trẻ mồ côi vì Ebola, cung cấp tiền để xây dựng trường học và tạo dựng một tương lai tràn đầy hy vọng.

Độc giả sẽ được thấy cách bèo hoa dâu làm chậm quá trình đô thị hóa trên khắp châu Phi và thế giới, cho phép con người ở lại trong cộng đồng để duy trì mối liên hệ với cội nguồn, thay vì phải thu lượm hàng nghìn dặm, sống tạm bợ trong các khu ổ chuột.

Cuối cùng, Tương lai sẽ đưa độc giả đến bờ Bắc Băng Dương 100 năm sau, để nhìn lại các sự kiện của thế kỷ trước - một tương lai tươi sáng lạc quan có thể đạt được nhờ bèo hoa dâu.

Câu chuyện bèo hoa dâu - 2

Cuốn sách được chia thành ba phần: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai (Ảnh: NXB Tri thức).

Tại Việt Nam, nhà nông học Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) là người có công phổ biến bèo hoa dâu. Ông nhìn thấy trước sự nguy hiểm của phân bón hóa học vào thời điểm mà quy trình Haber-Bosch (phần quan trọng sản xuất phân bón thực vật) đang rất được ưa chuộng vào những năm 1930.

Ông cũng là người đề xướng những lợi thế và sự cần thiết của canh tác lúa bền vững bằng phân bón sinh học bèo hoa dâu.

Những đóng góp của ông trong việc nghiên cứu và phổ biến bèo hoa dâu đã khích lệ thế hệ các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nông học và sinh học từ năm 1930 đến 1980.

Alexandra Bujak là nhà khoa học môi trường nghiên cứu sâu rộng về bèo hoa dâu và khả năng của nó trong việc giúp con người vượt qua "cơn bão hủy diệt".

Bà cùng cha là tiến sĩ Jonathan Bujak đã sáng lập quỹ Azolla, nơi cung cấp thông tin và tư vấn miễn phí về việc sử dụng bèo hoa dâu làm công cụ cô lập CO2, phân bón sinh học và thức ăn chăn nuôi.

Quỹ có hơn 40.000 cộng sự và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức để giúp nuôi sống hàng triệu người khi dân số thế giới tăng thêm một tỷ sau mỗi 12 năm.

Tiến sĩ Jonathan Bujak là nhà cổ sinh vật học với hơn 100 ấn phẩm khoa học. Ông là nhà khoa học nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Canada, Tập đoàn Viện trợ Quốc tế Petro-Canada và Bujak Research International, thiết lập các phòng thí nghiệm và đào tạo các nhà địa chất trên khắp thế giới.

Ông đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm cổ sinh vật học sâu trong nội địa Nam Mỹ và tham gia hai cuộc thám hiểm địa chất duy nhất tới Bắc Cực.