Kỷ yếu Hoàng Sa

Viên Minh

(Dân trí) - Thông qua "Kỷ yếu Hoàng Sa", độc giả có thể tìm thấy những cột mốc lịch sử của Hoàng Sa một cách chi tiết nhất.

Cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn với sự góp sức của các tổ chức, cơ quan, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử. 

Đây là cuốn kỷ yếu quy mô nhất về Hoàng Sa, với nhiều giá trị giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, quá trình xác lập chủ quyền, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cuốn sách gồm 4 phần: Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam; Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa; Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử; Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa.

Kỷ yếu Hoàng Sa - 1

Bìa cuốn sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" (Ảnh: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông).

Trong cuốn kỷ yếu này, độc giả có thể tìm thấy những cột mốc lịch sử của Hoàng Sa một cách chi tiết nhất. Điểm nổi bật của tác phẩm so với các tài liệu đã viết về Hoàng Sa là phần giới thiệu và cảm nhận của các nhân chứng. Họ đã từng sống, làm việc tại quần đảo này trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX.

Cuốn sách cũng đề cập nhiều tư liệu, hiện vật chứng minh quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo lãnh đạo UBND huyện đảo Hoàng Sa, việc xây dựng và xuất bản Kỷ yếu Hoàng Sa nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và tìm hiểu của nhân dân.

Đây cũng là một kênh tuyên truyền về biển đảo, về Hoàng Sa và góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.