Bao giờ xung đột tình tiền trên phim mới thấm thía như ngày xưa?

(Dân trí) - Phim Việt ngày nay dù đầy rẫy những xung đột tình – tiền nhưng lại khiến cho người xem trở nên xa lạ, trong khi những bộ phim ra đời cách đây 20 – 30 năm lại khiến người ta thấm thía đến không thể quên.

20 - 30 năm vẫn thấm thía đến từng bài học

Cách đây vài thập niên, truyền hình Việt không thiếu những bộ phim lấy đề tài về chuyện tình yêu, chuyện ngoại tình và xung đột gia đình. Những bộ phim thời đó như: Xin hãy tin em, Cầu thang nhà A26, Của để dành, Sóng ở đáy sông, Mùa lá rụng trong vườn, Chuyện phố phường, Người Hà Nội, Đồng tiền xương máu, Hoa cỏ may, Phía trước là bầu trời, Những ngọn nến trong đêm, 12A và 4H… cho đến bây giờ vẫn còn là những bộ phim “nhớ mãi không quên” của nhiều người.

Thời đó, những năm đầu của thế kỷ 21, đất nước vẫn đang còn nhiều khó khăn nên trang thiết bị để làm phim vẫn còn rất nhiều thiếu thốn và lạc hậu. Thậm chí, công nghệ làm phim thời đó bị cho là lạc hậu hơn rất nhiều so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, các nhà làm phim đã cố gắng tái hiện bức tranh chân thực bằng ngôn ngữ điện ảnh với việc đi sâu vào nhiều ngóc ngách của đời sống xã hội và những thân phận người.

Của để dành, bộ phim mang đến nhiều bài học sâu sắc cho người xem.
"Của để dành", bộ phim mang đến nhiều bài học sâu sắc cho người xem.

Những xung đột giữa cái cũ và cái mới do sự chuyển đổi “cơ chế thị trường” được thể hiện nhẹ nhàng nhưng cũng đầy thấm thía trong các gia đình ở “Cầu thang nhà A26”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Của để dành”, “Đồng tiền xương máu”… Cho đến bây giờ, xung đột trong các bộ phim cách nay 20 – 30 năm này vẫn còn để lại nhiều bài học sâu sắc đối với người xem.

Đặc biệt, bộ phim “Của để dành” với việc đề cập đến chuyện 3 người con phó mặc chữ “hiếu” cho những người giúp việc vì mải mê với cuộc sống riêng cho đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bên cạnh đó, những câu chuyện tình yêu đầy phức tạp và rắc rối của người trẻ thời điểm đó trong các phim: “Xin hãy tin em”, “Hoa cỏ may”, “12A và 4H”, “Phía trước là bầu trời”, “Những ngọn nến trong đêm”… cũng khiến người xem phải nhìn thấy mình trong đó.

Từ câu chuyện tình yêu không thành của Hoài – Phong (Xin hãy tin em), gia đình tan vỡ kiểu Nam – Thảo (Người Hà Nội), tình yêu muộn màng với không ít chông gai của Quốc – Trúc (Những ngọn nến trong đêm), tình yêu đi lên từ tình bạn của các cô cậu mới lớn Thái – Na - Hương (Hoa cỏ may 2), Hạ, Hằng (12A và 4H) và Nguyệt – Thương – Nhung (Phía trước là bầu trời) khiến người xem ý thức hơn về khái niệm “hạnh phúc” – “tình yêu”.

Điều đó cho thấy, phim về xung đột tình – tiền không nhất thiết phải lên gân lên cốt hoặc căng thẳng cao trào... mà phải đặt ra được những vấn đề gần gũi với cuộc sống, mang đến những bài học nhân văn - giáo dục.

Nhìn lại những xung đột tình – tiền trong các phim truyền hình gần đây như: “Cả một đời ân oán”, “Tình khúc Bạch Dương”, “Sống chung với mẹ chồng”... nhiều khán giả vẫn tỏ ra ngán ngẩm vì mọi thứ được xây dựng sống sượng và thiếu tính nhân văn. Bà Phương của “Sống chung với mẹ chồng” bị nhiều người chê vì không mang tính điển hình và làm méo mó hình ảnh mẹ chồng. Kể cả nhân vật Thanh – con trai bà Phương cũng bị cho là thiếu tính thực tế bởi ngoài đời không có ai nhu nhược đến vậy.

Bản thân cuộc sống trong “Cả một đời ân oán” cũng bị xem là xa lạ khi khai thác các xung đột trong gia đình theo kiểu trai tài – gái đẹp, biệt thự xa hoa, thượng lưu công tử... Rồi ngay cả những câu chuyện về thân phận người trong “Tình khúc Bạch Dương” không những không lấy được nước mắt đồng cảm của người xem mà càng khiến người ta chán phim Việt vì quá nhiều tình tiết khiên cưỡng. Đó là một trong những lí do khiến cho người nay thích tìm về với những bộ phim xưa.

Nhiều phim bị bế tắc, không làm người xem đồng cảm

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, các vấn đề xung đột tình – tiền trong phim truyền hình hiện nay chưa đủ để giải quyết những vấn đề khán giả muốn. Theo bà Nhã, ngày xưa, xã hội khá êm đềm nên các chi tiết mô tả xung đột trong phim nhỏ nhẹ nhưng đều được giải quyết theo hướng nhân văn, theo hướng con người thấy cuộc sống vẫn đáng để tồn tại. Xã hội càng trở nên xô bồ và khốc liệt như hiện, xu hướng đi tìm trong văn hoá nghệ thuật nói chung, phim ảnh nói riêng... một dấu chỉ đường để có lí do để tồn tại, có cảm hứng sống càng nhiều nhưng một số phim hơi bế tắc.

Cả một đời ân oán bị xem là nhang nhác Sống chung với mẹ chồng.
"Cả một đời ân oán" bị xem là nhang nhác "Sống chung với mẹ chồng".

“Thường về mặt lí thuyết, ta hay nói trong một bộ phim ít nhất cũng phải có nhân vật đáng sống và sống được. Tức là vượt thoát được khỏi số phận của họ. Chúng ta có nhiều bộ phim được làm rất chăm chút, cẩn thận nhưng không cho người ta nhìn thấy đường thoát của nhân vật. Tính bế tắc đó làm người ta không nhớ lâu. Chúng ta có thể nhìn thấy những xung đột đầy rẫy trên phim nhưng nó vẫn không đủ sức nặng giúp người ta giải quyết bất kỳ vấn đề gì”, nhà biên kịch Trịn Thanh Nhã nói.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sự đồng cảm của người xem được dấy lên khi người ta nhìn thấy trong phim những tình huống mà bản thân họ đã trải qua, đã chứng kiến từ người thân hoặc quan sát thấy trong cuộc sống. Và các vấn đề đặt ra trong phim làm cho họ thấy con người ta có thể tìm được những đường thoát trong những tình huống như thế. Tức con người ta đi tìm những câu chuyện mang đến cho người ta lòng tin vào cuộc sống. Cuối cùng họ nhận thấy cuộc đời vẫn đẹp, vẫn có thể sống được.

“Bây giờ, có nhiều phim có vấn đề sâu sắc một chút lại đẩy nhau vào tình trạng bế tắc. Cái đó làm cho khán giả dễ dàng bỏ qua hoặc xem xong quên không nhớ gì. Con người cần nhiều cứu cánh để tồn tại lắm, phim ảnh là một trong những cứu cánh đó.

Ngày nay, các bạn trẻ làm phim chỉ quan tâm đến miếng nhiều hơn là trách nhiệm xã hội của tác phẩm. Tất nhiên, một trách nhiệm xã hội được đưa ra phải có những miếng hợp lí. Người ta thấy hứng thú để người ta theo dõi nó. Vì thế dẫn đến thiếu những tác phẩm kinh điển như ngày xưa. Trong quá trình làm việc, nhiều bạn vội vã giành lấy những thắng lợi trước mắt mà quên đi giá trị bền vững của văn nghệ đấy chính là hướng dẫn xã hội”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ thêm.

Một đạo diễn cũng phân tích rằng, phim truyền hình Việt ngày nay thiếu sự đầu tư cả về kịch bản lẫn tư duy sáng tạo của đạo diễn. Vì thế, các bộ phim cứ nhang nhác nhau, thiếu chiều sâu để mang đến những nét đặc biệt cho mỗi bộ phim.

Người này cho rằng, nếu theo dõi sẽ thấy “Tình khúc Bạch Dương” không khác “Matxcova mùa thay lá” là mấy, “Cả một đời ân oán” cũng tựa như một phiên bản của “Sống chung với mẹ chồng”... Ngay cả diễn viên cũng cũng bị đi theo một lối mòn do thiếu cơ hội để cọ sát với thực tế, thiếu sự chiêm nghiệm đời sống và thiếu sự nghiên cứu kịch bản. Nhiều diễn viên “đẹp lồng lộn” trên màn hình nhưng diễn xuất vô hồn và nhạt nhẽo. Sự lặp lại bản thân ở vai diễn này đến vai diễn khác vô tình làm cho nhân vật thiếu sức sống và không thể đến gần được với người xem.

Khánh Toàn