700 tỷ đồng từ doanh thu phim Việt Nam trong năm 2015 chỉ là con số ảo?

(Dân trí) - Sáng 28/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hoá. Sự kiện đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc hoàn thiện bản dự thảo Báo cáo trước khi đệ trình UNESCO theo qui định. Trong đó, vấn đề được quan tâm tập trung khá nhiều vào lĩnh vực phim ảnh và bản quyền tác giả - tác phẩm.

Cần xem lại các con số báo cáo

Trong dự thảo Báo cáo Quốc gia đình kỳ 4 năm (2012 - 2016) có trích dẫn kết quả hoạt động của ngành điện ảnh, ngành nghệ thuật biểu diễn, ngành mỹ thuật – nhiếp ảnh và triển lãm, ngành quảng cáo, xuất bản… Trong đó, theo số liệu thống kê, năm 2015 Việt Nam có 384 hãng phim (5 hãng phim Nhà nước và 379 công ty có chức năng sản xuất phim), có 89 bộ phim ra đời, doanh thu từ hoạt động kinh doanh phim Việt Nam đạt 700 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh phim nước ngoài đạt 1590 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu 21%. Năm 2015, cũng là năm lần đầu tiên có một phim có sự hợp tác giữa sản xuất giữa nhà nước với tư nhân đạt doanh thu cao, nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim và gây được tiếng vang trong giới đó là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hóa vào sáng 28/3. Ảnh: HTL.
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hóa vào sáng 28/3. Ảnh: HTL.

Riêng lĩnh vực quảng cáo, doanh thu trên truyền hình đạt: 976.614.067 USD, trên radio đạt: 1.940.095 USD, trên báo in đạt: 29.752.478 USD và tạp chí đạt: 16.105.267 USD.

Theo nhóm tác giả soạn thảo đánh giá đây là những thành tựu đáng kể trong bước đầu thực hiện Công ước.

Tuy nhiên, đại diện cho ý kiến của Xã hội Dân sự, đạo diễn Vũ Hoàng Điệp cho rằng, đây là những con số chỉ cần phải xem lại vì thực tế không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố một cách thực tế con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim mà họ đã đạt được.

“Tôi không hiểu tại sao có những số liệu về doanh thu điện ảnh lớn đến như vậy. Thông thường con số này sẽ bị dấu đi hoặc khai sai số. Có vẻ trong trường hợp, chúng ta cần có một đơn vị thu thập có tính chất trung gian khách quan”, đạo diễn phim “Đập cánh giữa không trung” chia sẻ.

Bản thân nhạc sỹ Quốc Trung cũng trăn trở, năm 2015, rất may Việt Nam có một bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dưới hình thức công tư bắt tay hợp tác thành công để “khoe” trong báo cáo nếu không sẽ là một màu xám đáng buồn.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: HTL.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: HTL.

“Theo tôi biết thì trong nhiều năm nay Bộ VH,TT&DL tài trợ cho rất nhiều phim cuối cùng cũng chỉ có một bộ phim thành công về yếu tố thương mại. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại xem tài trợ của Bộ VHTT&DL đối với những phẩm không chỉ riêng điện ảnh. Mặc dù, đánh giá về chất lượng nghệ thuật thì rất là cảm tính nhưng nếu về mức độ thương mại thì cần phải có những con số cụ thể. Tôi nghĩ, chúng ta cũng nên có những đề xuất trong việc tài trợ của nhà nước để làm sao tránh được những quyết định mang cảm tính, minh bạch hơn trong việc tài trợ với các hãng phim.

Tại sao chúng ta không đặt ra những khoản tài trợ theo hình thức cho vay vốn để thực hiện dự án. Từ đó, những đơn vị nào không kinh doanh, hoàn trả lại được những quỹ đấy, thì lần sau sẽ ít cơ hội để xin tài trợ hơn. Từ đó, chúng ta sẽ được nhiều cơ hội cũng như quyết định nhiều với những hội đồng thẩm định kịch bản. Bản thân tôi cũng tham gia nhiều hội đồng đánh giá phim và nhiều lần đọc những kịch bản tôi thấy cũng rất là hoảng. Đây cũng chỉ là cảm tính cá nhân của tôi, nhưng nếu làm như vậy sẽ hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ các đơn vị cá nhân sáng tạo nghệ thuật”, ông Trung nói thêm.

Vi phạm bản quyền đang ngày càng phổ biến

Trong biện pháp thứ 4 của dự thảo Báo cáo Quốc gia đình kỳ 4 năm (2012 - 2016) có đề cập đến việc tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đến năm 2015 theo Quyết định số 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2012. Theo đó, ở Việt Nam hiện đã có 5 tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã được hình thành gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam trực thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam; Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam; Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Tổng nguồn kinh phí để chi cho các đơn vị này mỗi năm là 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, vấn đề quyền tác giả và bản quyền tác phẩm vẫn đang diễn ra một cách bát nháo, lộn xộn, không trật tự…

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim duy nhất thành công theo mô hình công tư hợp tác trong năm 2015. Ảnh: TL.
Bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là bộ phim duy nhất thành công theo mô hình công tư hợp tác trong năm 2015. Ảnh: TL.

Đại diện cho ý kiến của phía Xã hội Dân sự, nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng, việc đầu tiên về phổ cập văn hóa nghệ thuật cần có sự giáo dục chung về nhân thức, cũng như nâng cao sáng tạo. Ở đây, có thực tế tại Việt Nam chúng ta chưa có sự tôn trọng với những sáng tạo của văn học nghệ thuật.

“Gần đây tôi làm các chương trình mới thấy sự thiếu tôn trọng này xuất phát từ chính các đơn vị truyền hình, đài phát thanh hay những nhà mạng của các cơ quan truyền thông. Tôi dám chắc các trang mạng của Bộ TT&TT đều vi phạm bản quyền. Do đó, chúng ta không thể nào xây dựng và phát triển mà chúng ta cần phải có những chính sách không phải phát triển về hạ tầng mà về năng lực quản lý. Bởi trước đây chúng ta quản lý âm nhạc trên các phương tiện truyền thống như CD, DVD, băng đĩa mà chúng ta còn chưa làm được… thì giờ đây khi công nghệ đã số hóa, việc quản lý còn phức tạp hơn rất nhiều. Mà việc chúng ta không quản lý chặt chẽ thì sẽ không thể đề cao được sự sáng tạo và thúc đẩy sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Cũng như là những vấn đề về giáo dục.

Ở đây báo cáo có đưa vấn đề nâng cao giáo dục văn hóa nghệ thuật trong nhà trường còn nhiều hạn chế. Theo tôi, việc giáo dục thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật đặc biệt là giới trẻ bây giờ không phải là ở nhà trường mà thông qua truyền hình, phát thanh và internet. Toàn bộ những việc đó hình như chúng ta đang bỏ ngỏ. Tôi thấy có rất ít chương trình có nội dung giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật, âm nhạc, hội họa… Đặc biệt, với những trẻ em vùng sâu, vùng xa… họ phải nghe từ những đài phát thanh nhưng đài phát thanh lại chỉ quan tâm đến việc khán giả trẻ thích nghe âm nhạc gì mà không chủ động giáo dục thẩm mỹ âm nhạc. Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải nâng cao năng lực quản lý”, ông Trung thẳng thắn góp ý.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng cho rằng, không thể phủ nhận sự phát triển của Việt Nam từ sau khi UNESCO ban hành Công ước 2005. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện công ước, có nên chăng báo cáo này nên đưa vào những thử thách; thách thức mà chúng ta nên nhìn vào những vấn đề chưa giải quyết được thật cụ thể để những quốc tế có thể cùng nhìn thấy thực trạng của chúng ta. Bởi tiếng nói từ các quốc gia thành viên, từ UNESCO sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các nghệ sĩ trong nước đối với các lãnh đạo cấp cao khi thay đổi một chính sách. “Tôi cũng cảm giác sự tác động đã kéo dài rất lâu và chúng ta đã mất 8 năm, rõ ràng có vấn đề gì”, bà Điệp đặt quan ngại.

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, với những người làm phim như bà cảm thấy khá thua thiệt vì cho đến bây giờ mới biết mình có một công cụ pháp lý quốc tế để hỗ trợ làm nghề. Và nếu bản thân bà bây giờ mới biết thì chắc chắn các bạn trẻ, đang học trong trường nghệ thuật rất là khó để biết thông tin này. Do đó, trong vấn đề nâng cao nhận thức của xã hội chúng ta phải khoanh vùng, đi sâu vào trọng tâm hơn. Đặc biệt là đối với những ngành hẹp, cụ thể trước khi quảng bá rộng hơn trong xã hội. Chứ không thể nào cứ đưa ra phải nâng cao nhận thức một cách chung chung. Nếu chúng ta không có những định hướng cụ thể thì không có một trường đại học nào đưa vào kịp.

Góp ý thêm về vấn đề biểu diễn nghệ thuật, nhạc sỹ Quốc Trung đề nghị cần có những chính sách thông thoáng hơn trong quản lý. Chẳng hạn, với các quốc gia phát triển khi vào Việt Nam biểu diễn nên tạo điều kiện cho họ không vướng phải những rào cản nào. Việc đón tiếp những đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay đang vướng rất nhiều phiền phức. “Hiện nay, khi đề xuất xin phép cho các đoàn quốc tế vào Việt Nam biểu diễn hiện nay phải thông qua rất nhiều cơ quan liên ngành. Chúng ta cần thông thoáng hơn để thúc đẩy được mối quan hệ quốc tế. Bởi vì, khi các nghệ sĩ đã được xét duyệt về nội dung chương trình thì cũng không cần đặt nặng về các thủ tục”, ông Trung nhấn mạnh.

Công ước 2005 là một công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc nhằm mục tiêu bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, cụ thể biểu hiện hoặc được truyền tải qua các hoạt động văn hoá, hàng hóa và dịch vụ văn hóa - phương tiện của văn hóa đương đại. Vào 20/10/2015, ĐHĐ lần thứ 33 của UNESCO bỏ phiếu chính thức thông qua Công ước với 148 phiếu thuận và 2 phiếu trống. Tháng 3/2007, Công ước có hiệu lực. Tháng 8/2007, Việt Nam phê chuẩn gia nhập Công ước. Hiện có 138 quốc gia và 1 tổ chức khu vực phê chuẩn.

Hà Tùng Long