Nhà tạm lánh cộng đồng, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình

Tiến Thành

(Dân trí) - Hội phụ nữ các cấp tại Quảng Bình đã triển khai rất hiệu quả mô hình về bình đẳng giới, "địa chỉ tin cậy" với nhà tạm lánh cộng đồng, góp phần bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình.

Nhiều phụ nữ vẫn chịu cảnh bạo lực

Trường Sơn là xã biên giới của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiểu. 

Nhiều chị em phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn tâm sự rằng, từ nhỏ, họ đã chịu gánh nặng việc nhà. Sau kết hôn, ngoài vai trò làm vợ, làm mẹ, họ còn phải lo lên nương lên rẫy, chịu rất nhiều thiệt thòi, vẫn còn là nạn nhân của tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Nhà tạm lánh cộng đồng, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình - 1

Phụ nữ xã Trường Sơn chia sẻ những câu chuyện xoay quanh vấn đề bình đẳng giới (Ảnh: Ngọc Mai).

"Có nhiều người, ngay cả khi đau ốm hoặc mang thai, nuôi con nhỏ, sức khỏe sa sút vẫn phải làm việc nặng nhọc. Nhiều phụ nữ không được bàn chuyện trong gia đình, góp ý thì bị chồng đánh đập", chị Hồ Thị Xiên, trú xã Trường Sơn tâm sự.

Trường hợp như chị Xiên khá phổ biến trong đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Nhiều phụ nữ không may mắn, gặp phải người chồng mê rượu chè, không chịu làm ăn, thường xuyên đánh đập vợ, cuộc sống gia đình chìm trong khó khăn và bạo lực.

Thời gian qua, nhằm khắc phục tình trạng bạo lực gia đình, giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và dần thay đổi được nhận thức của bà con trên địa bàn.

Nhà tạm lánh cộng đồng, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình - 2

Phụ nữ Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn tham gia các hoạt động của hội phụ nữ (Ảnh: Ngọc Mai).

Nhiều hoạt động thiết thực

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, cho hay, để ngăn chặn bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ, đơn vị đã thành lập các tổ "truyền thông cộng đồng", câu lạc bộ "thủ lĩnh của sự thay đổi", triển khai mô hình "địa chỉ tin cậy" với sự tham gia tích cực của nhiều cán bộ địa phương, thôn, bản, thầy cô giáo, học sinh và người dân.

Các tổ "truyền thông cộng đồng" và câu lạc bộ "thủ lĩnh của sự thay đổi" đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn như: tuyên truyền để thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình; hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Từ đó bà con dần hiểu rõ về hành vi bạo lực gia đình và hậu quả để ngăn ngừa, phòng, chống; đồng thời biết cách tự bảo vệ khi bị bạo lực, xâm hại.

Bên cạnh đó, hội phụ nữ tại xã Trường Sơn cũng triển khai rất thành công mô hình "địa chỉ tin cậy" với nhà tạm lánh cộng đồng, để nạn nhân bị bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ được hỗ trợ kịp thời khi có hành vi bạo lực xảy ra. 

Nhà tạm lánh cộng đồng, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình - 3

Các hoạt động về bình đẳng giới được tuyên truyền sâu rộng, đến tận các trường học (Ảnh: Nhật Anh).

"Các mô hình và cách làm của chúng tôi đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân và hội viên phụ nữ. Nhiều chị em được bảo vệ trước bạo lực gia đình, tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức về bình đẳng giới", bà Duyên cho hay.

Cũng theo bà Duyên, các hoạt động thực tiễn do hội phụ nữ xã này triển khai không chỉ tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, hành động của riêng phụ nữ mà cả nam giới. Thông qua từng câu chuyện, con người cụ thể, gần gũi, nhiều đàn ông tại xã Trường Sơn đã hiểu hơn về bình đẳng giới, từ đó giảm thiểu bạo lực gia đình, tôn trọng quyền phụ nữ nhiều hơn.

Chị Hồ Thị Mai, trú bản Đá Chát, xã Trường Sơn tâm sự, trước đây chồng chị rất khó tính và luôn có tư tưởng việc nội trợ trong gia đình là vợ phải làm. Thậm chí chồng chị Mai còn gò ép, không cho vợ tham gia các hoạt động xã hội.

Tuy nhiên qua các buổi tuyên truyền, nói chuyện, tổ "truyền thông cộng đồng" đã có tác động lớn đến suy nghĩ của chồng chị Mai. Từ đó anh dần cởi mở và sẻ chia với vợ nhiều hơn trong công việc gia đình, đã ủng hộ vợ tham gia các cuộc họp, hoạt động của hội phụ nữ.

Không chỉ chồng chị Mai, nhiều người đàn ông khác tại xã Trường Sơn nay đã có sự thay đổi, bỏ rượu chè và giúp đỡ vợ việc nhà. Ngay cả các thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt gia đình cũng có sự thay đổi đáng kể.

"Nhiều lần đưa vợ đi tham gia các hoạt động của hội phụ nữ xã, thấy vợ vui vẻ, nên tôi đã ủng hộ. Tôi cũng nhận thấy trước đây mình có nhiều điều chưa đúng, chưa quan tâm đến sức khỏe của vợ. Giờ tôi san sẻ công việc nhiều hơn để vợ bớt vất vả, chăm sóc vợ con, ủng hộ vợ tham gia phong trào với chị em trong bản, trong xã", anh Hồ Vương ở bản Sắt chia sẻ.

Nhà tạm lánh cộng đồng, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình - 4

Hội phụ nữ xã Trường Sơn trước đó cũng đã ra mắt mô hình "địa chỉ tin cậy", hỗ trợ người bị bạo lực gia đình (Ảnh: Nhật Anh).

Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, cho biết toàn tỉnh đã thành lập 32 tổ "truyền thông cộng đồng", 6 câu lạc bộ "thủ lĩnh của sự thay đổi" và 19 địa chỉ tin cậy. 

Thời gian qua, để thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, hội phụ nữ các cấp tại Quảng Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích và mang lại quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em các vùng, địa bàn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ cũng như nam giới ở Quảng Bình đã thấy được tầm quan trọng của bình đẳng giới, quan tâm hơn đến vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều nam giới là cán bộ thôn, bản đã tham gia các hoạt động rất nghiêm túc, đóng góp nhiều ý kiến để thay đổi định kiến giới.