DMagazine

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh

(Dân trí) - Các Tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm,… ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đang phát huy hiệu quả.

Các Tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm,… ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đang phát huy hiệu quả.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 1

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Tân Bình, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh được thành lập tháng 11/2022. Tổ gồm 10 thành viên nòng cốt là trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng ngành của thôn, các chị em phụ nữ, người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng vận động, tuyên truyền.

Theo bà Lương Thị Văn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Bình, mỗi tháng sẽ Tổ chức tuyên truyền một lần bằng loa di động, bên cạnh đó, trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt Chi hội cũng lồng ghép các nội dung mà tổ đã đề ra.

Nội dung Tổ chú trọng tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, ứng xử văn hóa trong gia đình, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh (Video: Hạnh Linh).

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 3

Bà Văn vui khi chị em đã có những suy nghĩ tích cực, biết tự chủ về thời gian, kinh tế, hiểu về bình đẳng giới, biết tự bảo vệ chính kiến của mình, có quyền tự quyết các việc lớn, nhỏ trong gia đình. Đặc biệt, chị em mạnh dạn đi học nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập.

Nói về những nội dung tuyên truyền của Tổ truyền thông cộng đồng, bà Lê Thị Xuân, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tân Bình, cho biết, nội dung truyền thông của Tổ rất đa dạng, gần gũi với cuộc sống, cách thức truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 5

Là phụ nữ, từ nhỏ bà Xuân đã được cha mẹ răn dạy rằng phải chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, chắt chiu, vun vén cho gia đình. Là phái yếu chỉ nên quanh quẩn bên nương ngô, rẫy sắn, làm đồng, bếp núc… Lời dạy đó, "ăn sâu, bám rễ" vào suy nghĩ, vì thế lớn lên bà sống khép mình, ít tham gia việc lớn của gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, được các chị em trong thôn vận động đi sinh hoạt các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, thể dục, thể thao, bà dần thay đổi nếp nghĩ, sống mở lòng hơn.

"Giờ đây, ngoài thời gian chăm cháu, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, ra đồng, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn. Chồng và các con tạo điều kiện, rất ủng hộ việc này", bà Xuân vui vẻ nói.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 7

Bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phúc, cho biết, từ khi thành lập, các Tổ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao tặng mỗi Tổ truyền thông một bộ loa di động để thực hiện công tác tuyên truyền; tập huấn vận hành quản lý tổ, tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em,… giúp các thành viên trong Tổ có kiến thức, kỹ năng để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số zalo, facebook…

Các thành viên trao đổi, báo cáo nhanh công việc liên quan đến Hội Liên hiệp Phụ nữ, lên nội dung tuyên truyền cụ thể thông qua nhóm zalo, facebook. Khi có vấn đề xảy ra liên quan đến bình đẳng giới, bạo lực gia đình,… các thành viên báo cáo lên nhóm, sau đó người phụ trách sẽ liên hệ với từng thôn, đến tận hộ gia đình để giải quyết vướng mắc. Nếu vấn đề cấp bách tổ sẽ liên hệ với đường dây nóng của UBND xã được dán công khai ở trạm y tế.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 9

Hiện tại xã Tân Phúc có 2 Tổ truyền thông cộng đồng ở thôn Tân Bình và Chạc Rạnh.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phúc, thông qua các buổi tuyên truyền, từ đấy, xóa bỏ những nếp nghĩ, cách làm, phong tục lạc hậu. Nam giới trong gia đình biết sẻ chia việc nhà với vợ, ủng hộ các chị em phụ nữ phát triển kinh tế; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Hơn 1 năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra bạo lực gia đình. Các gia đình luôn hướng đến mục tiêu nuôi con khỏe, dạy con ngoan, các con đến tuổi đi học đều được đến trường.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 11

Bà Lê Thị Kiêu, Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lang Chánh, cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 19 Tổ truyền thông cộng đồng ở 19 thôn, bản, khu phố đặc biệt khó khăn. Hội đã tổ chức 90 cuộc truyền thông cho 4.284 lượt hội viên, phụ nữ và người dân. Tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng.

Các buổi tuyên truyền đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ. Họ biết vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, hăng hái, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, đi học nghề, nâng cao giá trị bản thân, tạo được tiếng nói trong gia đình và xã hội.

Cách làm hay về bình đẳng giới ở huyện miền núi xứ Thanh - 13

Theo bà Kiêu, Tổ truyền thông cộng đồng nhằm tuyên truyền về bình đẳng giới, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, những tập tục văn hóa có hại; giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn; chăm lo đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong gia đình và tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nội dung: Hạnh Linh

Thiết kế: Tuấn Huy