Bất bình đẳng giới làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh

Hà An

(Dân trí) - Không chỉ sinh nhiều con và sinh dày, tỷ số giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Gốc rễ của vấn đề là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Theo điều tra thu thập thông tin 53 dân tộc thiểu số gần đây nhất, số con/phụ nữ chung cho 53 dân tộc thiểu số là 2,35. Ngoại trừ phụ nữ dân tộc Hoa có mức sinh trung bình thấp nhất là 1,52 con, phụ nữ 52 dân tộc thiểu số còn lại đều có mức sinh trung bình trên 2 con. 

Ở nhiều dân tộc thiểu số, mức sinh khá cao. Chẳng hạn phụ nữ người Mông sinh trung bình 3,57 con, phụ nữ dân tộc Xơ Đăng sinh trung bình 3,51 con, phụ nữ dân tộc La Hủ sinh trung bình 3,68 con. 

Con số này ở phụ nữ dân tộc Chứt sinh là 3,82 con, phụ nữ dân tộc Cơ Lao là 3,71 con, đặc biệt phụ nữ dân tộc Mảng là 4,97 con, mức sinh rất cao…

Bất bình đẳng giới làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh - 1

Chênh lệch giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số cũng ở mức cao (Ảnh: Hữu Nghị).

Mức sinh của phụ nữ dân tộc thiểu số đã giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015 nhưng vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước và cao hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Không chỉ sinh nhiều con và sinh dày, một vấn đề khác cần quan tâm là tỷ số giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra sống. Tỷ số này thông thường là 104-106/100.

Tỷ số giới tính khi sinh của các dân tộc thiểu số là 110,2 bé trai trên 100 bé gái. Tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái.

Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức từ đầu những năm 2000, trở nên rõ rệt hơn từ năm 2006 với 109 bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái.

Chia sẻ tại hội thảo gần đây về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lãnh đạo Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng.

Hiện tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội tại nước ta đều có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc.

Như vậy, tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam không chỉ diễn ra ở các vùng đô thị phát triển mà còn cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo các chuyên gia gốc rễ và cốt lõi là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào từng người dân Việt. Tư tưởng này xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn, trước khi có con, có con, đến lúc qua đời. 

Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống với tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị quan trọng của tư tưởng này là việc có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.

Mất cân bằng giới tính cũng làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giới, tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, tăng tệ nạn mại dâm, gia tăng tội phạm về tình dục, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái…

Một trong những giải pháp được các địa phương thực hiện hiệu quả là nâng cao hiểu biết của người dân trong việc không lựa chọn giới tính khi sinh. Công tác tuyên truyền được lồng gắn với tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 

Chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (ngày 11/10) là Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Cục Dân số, Bộ Y tế đã chỉ ra một số giải pháp như tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới…

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái.

Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam khinh nữ".