Những người đau khổ trên phố “sung sướng”

Người ta gọi phố Hàng Chiếu là con phố hạnh phúc. Nhiều người đến đây để tìm hạnh phúc nhưng có lẽ rất ít người trong số họ tìm thấy điều đó, có khi còn trở nên bất hạnh hơn vì tiền mất, tật mang.

 
Những người đau khổ trên phố “sung sướng”  - 1


Đêm Hà Nội buồn hơn đêm Sài Gòn, kể cả những quán nhậu. Sau khi đã chén xong đôi mực và mấy chai bia Hà Nội ở Hàng Bồ, tôi nổi hứng lang thang phố đêm Hà Nội. 
 

Từ lâu tôi đã nghe câu “ca rao” của dân nhậu: “Mực Hàng Bồ, đồ Hàng Chiếu”. Mực Hàng Bồ thì đã rõ. Đồ Hàng Chiếu, hẳn nhiều bạn đọc cũng rõ hơn tôi vì mấy năm nay, báo chí nhắc đến nhiều. Tôi thì lúc nào cũng chậm chân. Nhưng dù chậm, tôi cũng muốn thử coi người ta buôn gì, bán gì ở trên “con phố sung sướng” nọ.

 

Phố. 23h30’. Hầu hết hàng quán đã đóng cửa, tắt đèn. Chỉ còn lại dăm ba hàng ăn khuya mở muộn. Dong xe thật chậm dọc Hàng Chiếu, tôi không quên “nhìn thật sâu” đầy vẻ kiếm tìm vào mắt của bất kì người phụ nữ nào ngồi ghế nhựa dọc phố. Tuyệt nhiên không ai đáp lại. Chắc hẳn, tại mình xấu trai - tôi thầm nghĩ.

 

Ra đến đầu ô, vẫn dửng dưng. Thất vọng hoàn toàn, tôi quay ngược xe ra lại phố Hàng Mã. Đồng hồ chỉ đúng 12h đêm. Lại thêm vài hàng ăn nữa đóng cửa, tắt điện. Tự dưng, tôi đâm nghi ngờ những gì đã đọc trên báo chí. Rồi lại suy đoán, có lẽ Công an làm gắt quá nên họ đã chuyển địa bàn hoạt động sang nơi khác. Buồn thiu, tôi tiu nghỉu ra về.

 

Gần đến phố Hàng Bông, lòng tự ái nổi lên sau ý nghĩ lẽ nào mình lại chịu thất bại dễ dàng đến thế. Tôi quay vòng lại Hàng Ngang, Hàng Đào rồi lại rẽ phải trở lại phố Hàng Chiếu. Lần này, lại đi thật chậm.

 

Tôi dừng xe trước mặt người phụ nữ ngồi “hóng gió” ngay đầu con ngõ nhỏ. Khuôn mặt thiểu não, rụt rè: “Chị ơi, em hỏi…”. “Cần gì?” - người phụ nữ hất hàm hỏi trống không. Tôi ra chiều đau khổ, ấp úng: “Chị có, có…”. Nhìn lại tôi từ đầu đến chân, khuôn mặt đầy dò xét, rồi chị ta gắt nhẹ: “Cần thuốc chứ gì, có mỗi thế mà lúng ba lúng búng”. Tôi thẽ thọt gật đầu.

 

Được lời như cởi tấm lòng, chị ta hỏi luôn tình trạng bệnh lý và “kê đơn” cho khách hàng là tôi một lọ thuốc bôi giá 150.000 đồng kèm theo lời hứa chắc nịch “đảm bảo vợ chú sẽ hét lên vì sướng”. Tôi hỏi lại: “Sao đắt thế chị?” thì ngay lập tức nhận được cái nguýt dài: “Thuốc xịn thì phải đắt chứ còn làm sao nữa. Thôi, bán mở hàng cho chú 100”.

 

Trót nhập vai “gà”, tôi đành móc ví trả tiền. Nhanh như cắt, người phụ nữ trung niên không chút ngại ngần, thọc tay vào túi quần, móc ra lọ thuốc, dúi vào tay tôi rồi nhanh chóng tụt vào trong ngõ kèm theo lời chào hàng với ra: “Cứ dùng thử đi, rồi hôm sau lại ra mua hàng cho chị nhé”.

 

Có kinh nghiệm lần đầu, tôi tiếp tục chạy dọc phố. Được một quãng, tôi dừng lại trước mặt một người phụ nữ khác. Khuôn mặt ngơ ngác của tôi đã “lọt” vào tầm ngắm của bà ta. Lần này, bà ta lên tiếng trước: “Cần gì vào đây cô bán cho”. Tôi đặt thẳng vấn đề: “Cháu có con bé, tán mãi mà nó chưa chịu, cô có…” Chưa kịp dứt lời, bà thao thao: “Ở đây cái gì chả có, cháu thích thuốc nước hay thuốc bột. Thuốc bột thì rẻ nhưng hơi khó dùng. Còn thuốc nước thì đắt nhưng rất tiện. Không màu, không mùi, chỉ cần 1 giọt cho vào cốc nước, cô đảm bảo lúc ấy nó đè ngửa mày ra ấy chứ…”.

 

Tôi hỏi giá tiền, bà ta đáp lại: “Thuốc bột thì bảy chục, một gói dùng được ba lần, thuốc nước trăm tám nhưng dùng được lâu hơn, mày lấy loại nào?”. Tôi chê đắt, không trả giá và đánh bài chuồn. Ngay lập tức, bà ta văng tục: “Thằng mặt l., đã xấu còn keo kiệt, gái nó đ. theo là phải. Hãm tài”.

 

Sau hai phi vụ, tôi quay xe ra về. Lúc này cả phố đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chỉ có vài người phụ nữ trung niên vẫn ngồi “hóng mát” khuất sau những gốc cây tranh sáng tranh tối. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những gã thanh niên, lẻ loi, giống hệt mình đang trò chuyện với những người phụ nữ “hóng gió”, chắc họ cũng đang đi tìm hạnh phúc.

 

Ngày hôm sau, tôi đem câu chuyện về hành trình dọc “phố sung sướng” kể lại cho anh bạn bán đồ chơi trẻ em ở gần đó. Anh tỏ vẻ hiểu biết: “Ôi dào, mấy mụ ấy toàn bán thuốc đểu thôi. Cẩn thận tiền mất tật mang đấy”. Tôi đem thắc mắc về chuyện những người bán hàng nổi tiếng bạo dạn ở con phố này nay lại trở nên cảnh giác cao độ thì anh bảo: “Công an đuổi lên đuổi xuống rồi. Ban đầu thì dạt từ phường nọ sang phường kia. Rồi Công an liên phường phối hợp truy quét, cũng mấy vụ bắt rồi. Họ sợ nên hoạt động theo kiểu du kích đó”.

 

Chủ hiệu thuốc tây nằm sát bên cạnh hàng đồ chơi của anh bạn tôi góp chuyện: “Mấy cái loại đồ chơi kiểu như bao cao su có gai, vòng rung hay thuốc bôi trơn, thuốc trợ lực bây giờ xưa rồi. Mấy thứ đó hầu như hiệu thuốc nào chả có. Với lại các “shop người lớn” mọc lên nhan nhản khắp nơi, cần gì phải lên tận hàng đây, vừa không an toàn, lại dễ bị “chặt chém” với giá cao. Các mụ ấy bây giờ chỉ toàn có bán thuốc kích dục với lại đồ chơi tình dục cho mấy thằng choai choai dửng mỡ muốn đi lừa con gái nhà lành và bọn bệnh hoạn thôi. Mấy tuýp thuốc này đúng là chỉ có bán cho “gà” như chú”.

 

Đêm thứ hai, tôi quyết trở lại “phố sung sướng” thêm một lần nữa vào đúng 23h30’ như hôm trước. Lần này, tôi nhanh chóng nhận ra những “dược sĩ vỉa hè” đang ngồi hóng mát lẫn giữa những người đi ăn hàng khuya.

 

Dừng xe ngay chỗ “dược sĩ” quen, tôi liến thoắng: “Hàng của chị dùng ổn quá, con vợ em sướng điên lên ấy”. Như “bắt sóng” được người quen dù tôi đoán chị ta chẳng thể nhớ ra tôi trong khuôn mặt của rất nhiều kẻ đã đến mua hàng, chị ta vẫn đon đả: “Thì chị có bao giờ nói điêu đâu. Thế hôm nay chú cần hàng gì?”.

 

Tôi hỏi về những “đồ chơi” mà anh bán thuốc gợi ý, chị lập tức tuôn ra một tràng quảng cáo đủ các món hàng và công dụng của nó, kèm theo lời hứa chắc nịch: “Toàn đồ độc và như thật luôn”.

 

Khi tôi ngỏ ý đòi xem hàng, chị ta bảo: “Nếu chú OK giá cả và món hàng thì chị gọi điện sẽ có người mang xuống luôn cho chú chứ xem hàng thì chị không có ở đây bây giờ. Đảm bảo chú không phải thất vọng”. Tôi từ chối khéo với lý do không mang đủ tiền và hứa hẹn ngày hôm sau sẽ quay lại. Rồi ngay lập tức, tôi mở khóa điện xe máy và phóng đi. Phía sau lưng, người phụ nữ lẩm bẩm chửi thề, tôi chỉ kịp nghe loáng thoáng câu “thằng bất lực”.

 

Những người đàn ông tìm đến con phố này chắc hẳn đúng là những “thằng bất lực” trong câu chửi tục tĩu của những người bán hàng ở đây. Phải “bất lực”, những gã đàn ông mới phải nhờ đến những liều thuốc từ những “dược sĩ vỉa hè” này để mong kiếm tìm hạnh phúc, phải bất lực thì những gã trai mới phải dùng đến biện pháp bẩn thỉu là đổ thuốc kích dục nhằm đưa một người con gái mà họ không thể chinh phục lên giường.

 

Những thứ vay mượn ấy, không thể nào được coi là hạnh phúc. Người ta gọi phố Hàng Chiếu là con phố hạnh phúc. Nhiều người đến đây để tìm hạnh phúc nhưng có lẽ rất ít người trong số họ tìm thấy điều đó khi phần lớn những loại thuốc ở đây thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc hết hạn sử dụng, thậm chí là thuốc giả như nhiều trường hợp bị bắt đã khai nhận. Khi sử dụng những thứ hàng nóng ấy, người ta sẽ trở nên bất hạnh hơn khi tiền mất, tật mang.

 

Tôi rời con phố bất hạnh lúc 2h sáng. Những người phụ nữ vẫn ngồi “hóng mát” trong thứ ánh sáng nhập nhoạng dưới những gốc cây tăm tối. Và vẫn có những người đi kiếm tìm hạnh phúc, trong thứ ánh sáng nhập nhoạng ấy. Không hiểu bao nhiêu người trong số họ, nhờ những liều “thần dược” kia mà xua đuổi được nỗi bất hạnh của riêng mình, mua lại về được niềm hạnh phúc? 

 

Theo Tiểu Phi

CSTC