Người chuyển giới sẵn sàng chết để một lần là chính mình

(Dân trí) - “Em biết tiêm silicon lỏng vào người rất nguy hiểm, có thể tử vong ngay lập tức nếu không may xảy ra biến chứng. Em biết dùng hoóc-môn liên tục sẽ cực kỳ nguy hại cho sức khỏe… nhưng em chấp nhận…

Em khao khát trở thành nữ giới, nên dù có chết nhưng chết ở hình hài của một cô gái, em cũng sẵn lòng”…Lời sẻ chia của Cát Thy - một chàng trai đã chuyển giới thành con gái tại hội thảo “Khát vọng được là chính mình” diễn ra sáng 29/8 tại Hà Nội khiến nhiều người nghe không thể cầm lòng.

Chết cũng sẵn lòng...

Hành trình di chuyển của Cát Thy và Aki Trần (chuyển giới nữ thành nam) từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo này cũng cực kỳ vất vả. Hai bạn không thể đi máy bay bởi trên chứng minh thư nhân dân của hai bạn có cái tên đối lập hoàn toàn với hình dáng bên ngoài mà hai bạn đang thể hiện. Cuối cùng, các bạn phải di chuyển bằng tàu hỏa.
 
Cát Thy chia sẻ về khát vọng trở thành một cô gái. Ảnh: T.Anh

Cát Thy chia sẻ về khát vọng trở thành một cô gái. Ảnh: T.Anh

Cát Thy tâm sự, tuy hình thể trước đó là một chàng trai cao to, lực lưỡng nhưng trong thâm tâm, Thy luôn nghĩ mình là một cô gái, luôn ao ước được mặc đồ nữ giới, được thể hiện những điệu bộ, cử chỉ của nữ giới. Chính vì điều này mà Cát Thy gặp không ít rắc rối, kỳ thị từ chính gia đình và những người xung quanh mình.

“Bị gọi là con pê đê, tủi nhục lắm, nhưng khát khao trở thành một cô gái vẫn vượt lên nỗi tủi nhục đó. Vì thế, mình đã tìm hiểu liệu pháp điều trị hoc môn, tiêm silicon tạo ngực… Dù trước khi tiêm mình cũng đã biết nhiều người chết vì silicon, mình vẫn không thấy điều đó là quan trọng. Bởi trong mình chỉ có một ước muốn trở thành nữ giới, dù có chết nhưng chết trong hình hài của một người con gái vẫn vui, vẫn hạnh phúc”, Cát Thy tâm sự.

Chia sẻ tại hội thảo, Ngọc Ly (một người chuyển giới nam sang nữ ở Hà Nội) không cầm được nước mắt khi nghĩ đến những tủi nhục vì bị bạn bè dè bỉu, cô thầy xa lánh.

“Mọi chuyện bắt đầu từ năm lớp 10 khi em tham gia một cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới. Tấm hình em trong cuộc thi đó không hiểu sao một bạn cùng lớp lại tìm thấy trên mạng. Từ đó là chuỗi ngày bi kịch bởi các bạn bè ở lớp không ngừng dè bỉu, kỳ thị em. Giờ ra chơi nào sách vở, cặp sách của em cũng bị dội nước ướt sũng. Em báo cô chủ nhiệm nhưng cô cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Hành động kỳ thị lên đến đỉnh điểm khi em liên tục bị 5 - 7 bạn trai trong lớp đánh hội đồng. Nỗi đau về thể xác không nhiều nhưng em sống trong sự ức chế tột độ. Hậu quả cuối cùng, sau gần 3 tuần liên tiếp bị kỳ thị như vậy, em đã bỏ học…”, Ngọc Ly kể.

Việc nghỉ học của Ngọc Ly nhanh chóng được báo cáo về gia đình. Khi bố mẹ Ngọc Ly đến nhà trường, biết sự thật về con mình, họ đã vô cùng bẽ bàng và họ mang sự bẽ bàng đó trút vào con.

“Bố mẹ đánh, mắng em nhiều hơn, xúc phạm em, nói em là đồ biến thái, không phải giống người. Lúc đó em chỉ nói một câu, xin bố mẹ đừng nói con như vậy, mọi người có thể nói con thế nào cũng được, từ bệnh hoạn, biến thái, chỉ xin bố mẹ đừng nói vậy”, Ngọc Ly vỡ òa tiếng khóc vì không kìm được cảm xúc.

Theo TS Phạm Quỳnh Phương, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), hoàn cảnh như hai bạn trẻ trên không phải là hiếm gặp. Bởi những người chuyển giới có một khát vọng tột độ được sống thật với giới tính mong muốn của mình, bất chấp cơ thể sinh học của họ hoàn toàn trái ngược với giới tính đó.

Một nghiên cứu do iSEE thực hiện trong hai tháng 6 - 7/2012 trên 34 người chuyển giới cho thấy, tất cả họ đều khao khát, mong muốn được mọi người nhìn nhận họ đúng giới tính họ mong muốn. Trong đó, có 7 người chuyển giới từ nam sang nữ sử dụng các liệu pháp hoc môn, 5 người có phẫu thuật ngực, chỉ có một người phẫu thuật bộ phận sinh dục. Đối tượng này cũng bị kỳ thị mạnh mẽ hơn bởi họ bị dễ dàng nhận thấy, không như nhóm đối tượng từ nữ sang nam dễ được chấp nhận bởi nhiều người lầm tưởng đó chỉ là những người con gái cá tính, thích kiểu thời trang cá tính.

“Em muốn được phẫu thuật rồi em sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác của người phụ nữ”. Vì mong muốn đó, họ vượt qua được những kỳ thị từ chính gia đình mình. “Lúc đầu gia đình chửi dữ lắm, nói mày là bệnh hoạn, mày không phải con tai, đuổi em ra đường và em không biết mình phải đi đâu”… “Ra đường, em gặp mẹ mà mẹ không dám nhận… Lúc đó rất buồn và nghĩ đến tự tử”, một nam chuyển sang nữ, 25 tuổi ở TP Hồ Chí Minh tâm sự.

Buộc làm nghề tủi nhục để kiếm sống

Bị kỳ thị, bắt cắt tóc, bắt mặc đồ con trai, trói tay chân, đánh đập, bị đuổi khỏi gia đình, nhiều người chuyển giới trở thành người lang thang không nghề không nghiệp.

“Gia đình sử dụng bạo lực, từ chối chấp nhận con cái khiến họ trở nên trầm cảm, phải bỏ nhà đi bụi. Nhất là với bạn nam chuyển thành nữ, nhiều người áp lực đến nỗi ban ngày thì ngủ vùi ở nhà, đến đêm mới trang điểm, ra người gặp gỡ người cùng giới, làm gái”, thạc sỹ Phương nói.
 
Hội thảo lần đầu tiên công bố nghiên cứu về người chuyển giới ở VN. Ảnh: T.Anh
Hội thảo lần đầu tiên công bố nghiên cứu về người chuyển giới ở VN. Ảnh: T.Anh

Bà Phương cho biết thêm, một “nghề” rất đặc trưng của những người này tại phía nam, đó là đi hát tạp kỹ đám ma để kiếm sống. Nhiều người trong số này đã được phỏng vấn, họ nói rất tủi nhục. “Có lần hát xong chỉ xin họ 20.000 mà họ bắt quỳ xuống lạy. Khi mình không chịu, họ chửi vào mặt mình, dù sao mày cũng chỉ là con pê đê chó thôi, cho 20 ngàn là sướng lắm rồi”, một người cùng cảnh tâm sự.

“Chúng em, những người chuyển giới rất khó công ăn việc làm, đi lang thang trong khi vẫn cần phải kiếm sống. Đó là lý do họ phải làm cái nghề mà bị mạt thị, tủi nhục như hát đám ma, làm gái. Người chuyển giới không bao giờ muốn điều đó, họ vẫn muốn được tiếp tục đi học, làm cô giáo, thầy giáo, là viên chức bình thường vừa để nuôi sống họ, vừa để đóng góp cho xã hội, nhưng điều đó là vô cùng khó khăn”, Cát Thy tâm sự.

Ông Lê Quang Bình (iSEE), khát vọng được là chính mình của người chuyển giới là chặng đường khó khăn bởi đến nay, chưa có một sân chơi nào cho người chuyển giới, họ luôn phải dấu mình, hoạt động trên các diễn đàn mạng của người đồng tính.

Những người chuyển giới không chỉ bị kỳ thị phân biệt đối xử mà còn vô cùng khó khăn trong cơ hội việc làm, từ đó càng khiến họ dễ trầm cảm, rạch tay, tự tử, đi tu, lãnh cảm, chai lỳ với sự kỳ thị của xã hội và sống ngày càng khép mình hơn.

Những người chuyển giới sợ đi đường vi phạm luật giao thông, sợ đi xe bus, sợ nhà vệ sinh công cộng… bởi đó là những nơi họ dễ bị soi về giới tính của mình. Họ không được đổi tên và xác định lại giới tính. Họ không được cung cấp những thông tin về vấn đề sức khỏe liên quan…Tất cả những điều đó đem lại nhiều rủi ro cho người chuyển giới. Nếu có thêm nhiều sự kết nối cộng đồng, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ y tế… thì sự kỳ thị về người chuyển giới sẽ giảm hơn. Nếu kỳ thị được bỏ, người chuyển giới có thể học cao hơn, tham gia nhiều ngành nghề trong xã hội, là những người có năng lực nuôi sống chình bản thân mình, giúp ích cho xã hội và không còn phải nhắm mắt đưa chân vào những nghề nguy hại cho xã hội cũng như chính sự tủi nhục của bản thân họ.

Hồng Hải