Cùng bé nghịch nước

(Dân trí)- Từ lúc Tít mới sinh, Thu Giang đã tự tay tắm cho bé. Quan sát bé vẫy vùng thích thú trong nước, Giang thấy rõ Tít đang tự mình khám phá một điều kỳ diệu. Những buổi tắm của hai mẹ con trở thành buổi học thú vị để Tít dần tìm hiểu thế giới xung quanh.

Những trò chơi trong bồn tắm

 

Thổi nước bằng ống hút

 

Với ống nhựa rỗng một đầu chìm trong nước, khi thổi ở đầu kia sẽ tạo bọt và sóng kèm thứ âm thanh ục ục. Bé Tít 4 tháng đã cười khanh khách khi mẹ làm trò này.

 

Nghịch bọt xà phòng

  

Bạn có thể cùng bé thổi bay lơ lửng bọt xà phòng khắp phòng tắm, ngập mình trong đống bong bóng kỳ ảo này. Hãy tìm mua loại hoá chất hỗn hợp tạo bọt an toàn. Bé sẽ vô cùng thích thú khi tự mình thổi được những chiếc bong bóng to nhỏ khác nhau tụ lại như những đám mây hay con vật trong cuốn truyện bé yêu thích.

 

Vật chìm, vật nổi

  

Một cái cốc nhựa nổi lềnh bềnh trên mặt nước, khi cốc đầy nước từ từ chìm xuống đáy. Con vịt cao su thì nổi, còn khúc gỗ thì lặn tận dưới đáy bồn. Khi mẹ Linh Nga chỉ cho Mít (3 tuổi) xem, Mít đã hăng hái “làm thí nghiệm” với tất cả đồ chơi để đi đến kết luận riêng của bé cho từng loại. Ác - si - mét cũng từng làm như vậy đấy!

 

Những trò chơi trong bể bơi

 

Tạo tiếng động và nghe trong nước

 

Hai cha con bé Minh vẫn thường đi bơi mỗi buổi chiều hè từ khi Minh được 3 tuổi. Cha để miệng chìm trong nước, gọi “Nhật Minh ơi” và thổi bong bong nước. Âm thanh lạ tai làm Minh cười như nắc nẻ. Khi hai cha con cùng lặn, cha đã chỉ cho Minh thấy âm thanh trong và ngoài môi trường nước khác nhau như thế nào.

 

Các trò chơi vận động

  

Chơi bóng ném, với đồ chơi chạy dây cót trên nước… sẽ làm bé hết sức hào hứng. Nhiều trẻ rất thích té nước làm bố mẹ ướt và cũng muốn bố mẹ làm như thế với mình.        

 

Những trò chơi ngoài trời

 

Cầu vồng

 

Vào mỗi cuối tuần, mẹ Giang chở Tít về nhà nội ở Gia Lâm. Cùng với các anh chị họ, Tít được vẫy vùng đập nước trong chiếc bể cao su bơm hơi ngoài sân.

 

Mẹ Giang còn lấy vòi phun xịt những cột nước cao trong ngày nắng để tạo thành cầu vồng làm mấy anh em tròn mắt thích mê mệt. Anh Kiki cứ hỏi mãi để cô Giang giải thích tại sao lại có cầu vồng. 

 

Trò ảo thuật

 

“Sơn” sân, vỉa hè... bằng chổi nhúng nước rồi quan sát chúng khô dần, lúc này bố mẹ có thể giảng giải cho em bé về sự bay hơi của nước.

  

Những trò chơi khác với nước

 

Chơi rót nước, đong nước

   

Trẻ con thích rót nước từ cốc này sang cốc khác, chúng có thể làm hàng giờ vì bị lôi cuốn bởi tiếng nước róc rách và sung sướng nhìn những bọt nước trào lên. Nước còn giúp trẻ định hình các khái niệm toán học (nước ở ly này nhiều hơn ly kia, hoặc nước trong cốc ít hơn trong xô...).

 

Lọc nước

  

Linh Nga đã cặm cụi làm cho Mít một cái bình lọc ở góc sân với cát và than. Khi nhìn thấy nước đục sau khi lọc qua cát thành nước trong veo, Mít vô cùng ngạc nhiên và vặn hỏi mẹ không ngớt. Khi mẹ giải thích xong, cậu còn muốn tự tay thử lại để kiểm chứng. 

 

Lưu ý khi cho bé nghịch nước

 

- Luôn  luôn phải có người lớn giám sát

 

- Trong bồn tắm phải đặt một miếng cao su chống trượt. Kiểm tra nhiệt độ của nước trước khi cho bé vào bồn.

 

- Chú ý tránh nắng, gió lùa, không cho bé ngâm nước quá lâu.

 

- Sau khi chơi đùa xong, nhắc bé hiểu rằng: Dọn dẹp luôn là một phần của trò chơi.

 

Trẻ con lớn lên nhờ vui chơi. Các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng sợ bé bẩn, ướt… mà tước đi của bé niềm vui đó. Chơi cũng là học, là giúp bé khám phá thế giới, nâng cao những kỹ năng, kinh nghiệm khác nhau và điều này thật hữu ích cho tương lai của bé.

 

Hạnh Chi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái