Con hư tại mẹ…

(Dân trí) - Có những khi, chính sự nuông chiều của các bậc cha mẹ đã góp phần tạo nên chân dung những “cậu ấm, cô chiêu” thời hiện đại.

Chiều con thái quá

 

Gia đình anh chị Hoàng, Hải là cán bộ công chức nhà nước. Anh làm giảng viên một trường đại học danh tiếng, chị là giáo viên tiểu học. Khi sự nghiệp của cả hai đã ổn định, con gái được 14 tuổi, anh chị quyết định sinh thêm mụn con nữa cho “có nếp có tẻ”, “vui cửa vui nhà”, cũng là hoàn thành trách nhiệm với các cụ.

 

Cu Tý ra đời là tâm điểm chú ý của họ hàng nội ngoại. Tý trở thành “cục vàng”, “cục cưng” của ông bà, bố mẹ, được chăm lo từng tí một, ăn những loại sữa đắt tiền nhất, đồ chơi không thiếu một thứ gì.

 

Tý muốn sao được vậy, mọi đòi hỏi của Tý không khác gì “mệnh lệnh”. Mỗi lần Tý la khóc là cả nhà lại rối lên, vì Tý là “cháu đích tôn” nên được cưng hơn chị rất nhiều.

 

Lớn thêm một chút, có khi Tý cãi láo với bà nhưng bố mẹ cũng nhắm mắt cho qua với cái tặc lưỡi “trẻ con, đã biết gì”. Họ hy vọng sau này lớn lên Tý tự nhận thức được.

 

Trước khách đến chơi nhà, nhiều khi anh chị Hoàng - Hải thấy “muối mặt” khi đứa con vàng con bạc tỏ vẻ vô lễ: “Chú không được ngồi ghế này. Đây là ghế của Tý”, “Sao cô đến chơi mà không mua quà?”, “Kẹo này là kẹo đểu, cháu không ăn”,“Bác về đi Tý muốn mẹ đi chơi với Tý”!

 

Khách khứa ra về chỉ còn biết lắc đầu: “Đúng là ông tướng con”.

 

Có tiền mua tiên cũng được

 

Sinh ra trong một gia đình “tỷ phú”, được bố mẹ cho xài tiền ngay khi còn nhỏ nên Bi sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền.

 

Bi biết “thuê” bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho chép bài trong giờ kiểm tra, rồi dùng cả tiền để thuê … xách cặp, để mua tình bạn.

 

Bố mẹ Bi thường xuyên phải nghỉ làm để đến gặp cô giáo chủ nhiệm cũng như thầy hiệu trưởng vì những hành vi sai trái và tình trạng đạo đức ngày càng xuống dốc của con. Thế nhưng đó vẫn chưa đủ để làm bài học cho họ. Với họ, đó là chuyện bình thường. Vì họ nghĩ rằng, chỉ cần có tiền mọi chuyện sẽ được giải quyết đâu vào đấy.

 

Trẻ em nếu không được giáo dục một cách đúng đắn sẽ không hiểu được giá trị đồng tiền chân chính và sử dụng chúng bừa bãi. Rất có thể, chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ đôi khi lại phá huỷ nhân cách, tâm hồn của con.

 

Bọc con quá kỹ

 

Xuất thân từ gia đình nông dân hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng chị Lan phải lăn lộn bao nhiêu năm mới có được một cơ ngơi kha khá. Đến khi muốn sinh con lại gặp cảnh hiếm muộn, anh chị chạy chữa khắp nơi, cuối cùng mới ra được một cô công chúa.

 

Họ nuôi con tựa hồ như nâng hoa, nâng ngọc. Anh chị tâm niệm, đời mình đã khổ sở lắm rồi, giờ tích lũy được chút ít lại có mỗi đứa con nên sẽ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho nó.

 

Ngay từ bé, Bảo Ngọc đã không phải mó tay mó chân vào bất cứ việc gì. Mọi việc trong nhà đã có mẹ và cô giúp việc lo. Ngoài việc học ra không có gì làm em vướng bận cả. Sáng dậy ngoài việc vệ sinh cá nhân, em được mẹ là sẵn quần áo, cô giúp việc chuẩn bị sẵn bữa sáng, và bố đưa đi học.

 

Mười mấy năm cho đến tận khi Ngọc vào đại học, bố vẫn ô tô đưa đi đón về đều đặn, ngày nắng cũng như ngày mưa. Lớp có liên hoan, dã ngoại ở đâu bố mẹ Ngọc cũng không muốn cho con ngồi xe người khác sợ không an toàn. Anh chị tình nguyện làm “tài xế” cho con bởi nếu không sẽ đứng ngồi không yên vì lo lắng.

 

Hàng xóm láng giềng ai cũng khen cô con gái anh chị ngày càng xinh xắn, da trắng như tuyết, lại học hành giỏi giang. Anh chị vì thế rất tự hào, càng ra sức yêu chiều con hơn.

 

Ngọc tốt nghiệp đại học, có chỗ làm ổn định, cũng đã đến tuổi lấy chồng. Lúc ấy anh Bảo, chị Lan mới thật sự lo lắng vì con chẳng biết làm gì ngoài việc học. 20 tuổi đầu nhưng Ngọc chưa từng nấu cơm dù một bữa, không biết rửa bát, giặt quần áo là gì...

 

Rồi con gái cũng kiếm được tấm chồng, nhưng cũng từ ấy, ngày nào bà Lan cũng sang nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho hai đứa. Bà sợ con đi làm lại phải quay ra với việc nhà thì mệt. Hơn nữa, con bà không biết lo toan nhà cửa, bà sợ chồng nó “chán” rồi bỏ thì con bà lại khổ. 25 tuổi, Ngọc vẫn chỉ là “búp bê” bé bỏng của mẹ.

 

Chiều con, thương con không biết cách, nhiều ông bố bà mẹ đang vô tình làm hỏng nhân cách của con, tạo ra cho chúng tính ỷ lại, không tự lập, không thể đương đầu với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

 

Lan Tường

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái