1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gỡ "nút thắt" cho ngành chăn nuôi Việt

Chăn nuôi theo chuỗi là một trong những nút thắt lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay. Nếu làm theo chuỗi, giá trị sản xuất cho người chăn nuôi có thể tăng lên 12-16%.

Mấy năm gần đây, chăn nuôi theo chuỗi bắt đầu hình thành và phát triển. Đến nay đã có một số mô hình chăn nuôi theo chuỗi rất hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò sữa – quản lý chặt chẽ và khép kín từ con giống đến kỹ thuật chăm sóc chế biến, bảo quản và thương mại. Một số mô hình chăn nuôi bò thịt như của Hoàng Anh Gia Lai đang được hình thành và rất có triển vọng. Trong thời gian tới, họ sẽ phát triển cả con giống, kỹ thuật chăm sóc và xây dựng nhà máy giết mổ để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Chăn nuôi theo chuỗi giá trị sẽ tăng thu nhập cho người chăn nuôi (Ảnh minh họa)
Chăn nuôi theo chuỗi giá trị sẽ tăng thu nhập cho người chăn nuôi (Ảnh minh họa)

Ngoài ra còn có chuỗi chăn nuôi gà ta, gà thả vườn ở Bắc Giang, gà thả vườn ở Gò Công – Tiền Giang, chuỗi chăn nuôi lợn thịt của một số HTX ở Hà Nội như HTX Đan Hoài, HTX Yên Mỹ - Ứng Hòa cũng cho hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện chỉ có DN lớn phát triển chăn nuôi theo chuỗi nên số lượng chuỗi vẫn chưa nhiều.

“Nếu làm theo chuỗi thì tất cả các bên đều có lợi. Giá trị chăn nuôi cho người chăn nuôi có thể tăng lên 12%, nếu làm tốt có thể tăng lên 16%,” ông Hoàng Thanh Vân, Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Ông Vân cũng khẳng định rằng: Chăn nuôi theo chuỗi mang lại lợi cho cho tất cả các bên tham gia. Đặc biệt DN sản xuất theo kế hoạch và không thất thoát trên đường đi, kiểm soát được toàn bộ quá trình nên đảm bảo ATTP. Trong khi đó, người chăn nuôi mua được giống, nguyên liệu giá hợp lý và chất lượng ổn định; còn người tiêu dùng được dùng sản phẩm không có chất cấm, không có chất bảo quản, không có chất kháng sinh, an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận rằng: Chăn nuôi theo chuỗi là một trong những nút thắt lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay, trong đó rào cản lớn nhất là công tác bảo quản, chế biến và giết mổ.

“Thực ra nông dân Việt Nam rất nhanh nhẹn và ham học hỏi nên có thể làm theo chuỗi nhưng họ cần có nguồn cung ổn định, giết mổ phải hợp vệ sinh, cơ sở giết mổ phải có nơi bảo quản hoặc đưa ngay đến thị trường tiêu thụ thì mới bảo đảm khép kín. Nếu từng đoạn bị cắt khúc thì chăn nuôi theo chuỗi không thành công,” ông Vân nói.

Để giải quyết khó khăn này, cần quy hoạch lại hệ thống giết mổ, nghiêm cấm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ phải gắn với thị trường tiêu thụ và bảo quản theo công nghệ mới.

Ngoài ra, để nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi, trong thời gian tới Cục sẽ tăng cường thực hiện 3 nhiệm vụ: nâng cao chất lượng giống; phối hợp với các tỉnh để đào tạo nhân lực; tăng cường công tác xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, truyền thông, quảng cáo, ông Vân nói.

Cần chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Một trong những khó khăn khi phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi là hiện Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2014, diện tích trồng đậu nành cả nước là 125.000 ha, sản lượng đạt 195.000 tấn; đối với cây bắp, sản lượng cả nước ước đạt 5,65 triệu tấn.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng, sản lượng này không đủ làm thực phẩm cho người, nên muốn làm thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Lượng đậu nành nhập khẩu của cả năm 2014 là 1,56 triệu tấn, tăng 20,5% so với năm 2013; lượng bắp nhập khẩu thêm 4,61 triệu tấn, tăng 2,11 lần so với năm 2013. Năm 2014, Việt Nam đã chi 3,23 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 5,2% về giá trị so với năm 2013.

Trong khi đó, hiện nay, diện tích đất lúa ở nước ta quá nhiều, hơn 7 triệu ha với sản lượng lương thực là 45 triệu tấn/năm, mỗi năm nước ta dư thừa 7-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn vì các nước trước đây nhập khẩu lương thực đã tự sản xuất được, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới hiện nay chỉ khoảng 30 triệu tấn nhưng lại có nhiều nước xuất khẩu gạo.

Để giảm áp lực về xuất khẩu, Việt Nam chủ trương từ nay đến năm 2020 giảm từ 700.000 – 1 triệu ha diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại hoa màu và cây trồng khác.

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhà nước đang khuyến khích tập trung chuyển đổi sang trồng ngô để tăng nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và giảm nhập khẩu.

Nguyên An