1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao các huấn luyện viên luôn ức chế với trọng tài ở V-League?

(Dân trí) - Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cho hay không cấm các HLV phát biểu về trọng tài, nhưng nhìn cách HLV của đội Long An bực nhưng không nói được, hoặc phản ứng của HLV Lê Huỳnh Đức (SHB Đà Nẵng) mới đây không thể không thấy vẫn có sự ức chế.

Cái sự ức chế của các đội bóng nằm ở chỗ cái sai của các đội thường bị xử lý rất nhanh, kiểu như HLV Lê Huỳnh Đức và CLB SHB Đà Nẵng vừa phản ứng trọng tài ở vòng & V-League thì đến giữa tuần, có ngay văn bản cảnh cáo tập thể đội bóng sông Hàn.

Ngược lại, những sai sót của trọng tài tại V-League hiếm khi được công khai, kèm theo lời giải thích “thông lệ FIFA không cho phép công bố”.

Thực tế, cách giải thích như trên là hơi máy móc, bởi cho dù FIFA không công bố cụ thể trọng tài phạm lỗi gì trong những trận đấu có tình huống nhạy cảm, nhưng Liên đoàn bóng đá thế giới thường cũng quyết định rất nhanh việc có kỷ luật trọng tài hay không.

Khi các đội bóng có bức xúc về trọng tài, cách tốt nhất để giải quyết bức xúc là để các bên phát biểu một cách thẳng thắn, xử lý công khai, thay vì cứ trích một phần điều lệ của FIFA để bảo vệ trọng tài (ảnh: Trọng Vũ)
Khi các đội bóng có bức xúc về trọng tài, cách tốt nhất để giải quyết bức xúc là để các bên phát biểu một cách thẳng thắn, xử lý công khai, thay vì cứ trích một phần điều lệ của FIFA để bảo vệ trọng tài (ảnh: Trọng Vũ)

Ví dụ như tại VCK World Cup 2010, người ta thấy rõ là sau sai lầm của một vài trọng tài, nổi cộm như trong trận Anh gặp Đức ở vòng 1/8, khi Lampard (Anh) sút trúng xà ngang khung thành đội Đức, bóng dội qua vạch vôi vào bên trong khung thành, nhưng trọng tài không công nhận bàn thắng cho đội Anh. Ông trọng tài đấy lập tức bị cho về nước. Và FIFA thông qua đấy cũng gửi thông điệp đến toàn thế giới và với riêng đội Anh rằng ông trọng tài mắc sai sót nọ đã bị kỷ luật.

Trước nữa, ở VCK World Cup 2002, vị trọng tài nổi tiếng Moreno bắt ép đội Ý trắng trợn, dẫn đến chiến thắng ngược của Hàn Quốc trước Ý. Từ sau trận đấu vừa nêu đến vĩnh viễn sau này, người ta không còn thấy trọng tài Moreno xuất hiện ở các sự kiện do FIFA tổ chức.

Có nghĩa là dù không trực tiếp, nhưng cách công khai vi phạm của trọng tài theo phương thức của FIFA là công bố rộng rãi tên của trọng tài mà họ sẽ không tiếp tục hợp tác. Cách làm này giải quyết đáng kể ức chế cho các đội bóng thua oan vì sai sót của trọng tài.

Bóng đá Việt Nam thì giới chuyên môn vẫn hỏi nhau “trọng tài sai, ai xử?”, hoặc có cảnh HLV Ngô Quang Sang của đội Long An dù cực kỳ ức chế nhưng không thể nói nên lời, vì phóng viên vừa mở miệng hỏi về trọng tài đã bị điều phối viên của buổi họp báo trận Sài Gòn FC – Long An ngắt ngang không cho hỏi.

Dẫu biết VPF và BTC giải khẳng định không ban hành bất cứ văn bản nào cấm các HLV phát ngôn về trọng tài, nhưng sự việc một vài HLV và một vài cán bộ tại các sân, nhận nhiệm vụ điều phối khâu phát ngôn của các thành viên tham dự trận đấu hiểu sai ý của BTC V-League là chuyện có thật.

Mong rằng những nhà tổ chức cuộc chơi đừng khiến cho những người tham gia cuộc chơi có cảm giác rằng trọng tài là... “vùng cấm”. Cũng mong rằng giới trọng tài và các giới chức điều hành bóng đá nội khi trích dẫn thông lệ của FIFA về vấn đề trọng tài nên trích dẫn một cách toàn diện, rằng FIFA không đến mức không công khai danh tính của trọng tài mắc sai sót khiến các đội bóng phải chịu thiệt.

Đừng máy móc điều lệ của FIFA để khiến cho các đội bóng và đại diện các đội bóng thêm ức chế, cũng đừng khiến cho các đội bóng mang cảm giác về giới trọng như một thực thể khác nằm ngoài guồng quay chung của giải đấu. Bởi, một khi người tham gia cuộc chơi càng ức chế thì giải đấu càng dễ sinh chuyện!

Trọng Vũ

Vì sao các huấn luyện viên luôn ức chế với trọng tài ở V-League? - 2