1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

U19 Việt Nam có thể thay đổi nhận thức về chuyện đào tạo trẻ

(Dân trí) - Đội tuyển U19 tạo ấn tượng mạnh tại vòng loại giải châu Á. Điều đó một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ.

Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam không gây được nhiều tiếng vang trên đấu trường quốc tế. Có thể nhiều người con hồ nghi nhận định này, nhưng kỳ thực những con số thì không biết nói dối.

Sau ngôi vô địch AFF Cup 2008, các đội bóng Việt Nam cấp độ đội tuyển, từ ĐTQG cho đến các lứa trẻ không tạo được tiếng vang đáng kể ở các giải đấu quốc tế chính thức. Trong khi đó, việc tuyển chọn nhân sự cho các đội tuyển quốc gia một lúc một khó.
 
 
U19 Việt Nam thành công rực rỡ nhờ công tác đào tạo trẻ tốt - Ảnh: Gia Hưng

U19 Việt Nam thành công rực rỡ nhờ công tác đào tạo trẻ tốt - Ảnh: Gia Hưng

Đó là cho đến trước khi lứa U19 hiện nay xuất hiện. Lần đầu tiên người hâm mộ xem một đội bóng Việt Nam thi đấu mà yên tâm đến vậy, lần đầu tiên chúng ta thắng được một đại diện của Australia nhanh và đậm đến vậy.

Để có được những lần đầu tiên đó, những người ít ỏi còn quan tâm đến bóng đá trẻ đã chuẩn bị từ 6 năm trước, đấy cũng là con số thời gian cụ thể mà học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG hun đúc lứa cầu thủ trẻ thuộc đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay.

Và với thành công của đội U19 Việt Nam trong thời gian qua, người ta thấy được tầm quan trọng của công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Đấy là một công tác rất tốn kém, đòi hỏi sự kiên nhẫn, trong khi hiệu quả chắc chắn không thể đến tức thời. Nói nôm na rằng đào tạo trẻ phải chấp nhận rủi ro lớn, chẳng may cầu thủ không thành công đúng như ý, trong khi tiền đầu tư thì vẫn phải đều đặn bỏ ra.

Đấy cũng chính là lý do mà nhiều CLB chuyên nghiệp, nhiều ông bầu trong thời gian qua không chăm chút đến công tác đào tạo. Đa số các ông bầu chỉ đến với bóng đá ngắn hạn, đến vì những mục đích ngoài bóng đá, nên họ cũng không quan tâm đến cái hậu của bóng đá, thông qua chuyện đào tạo.

Cũng tiếc rằng thời gian vừa rồi những người làm công tác quản lý nền bóng đá cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện này, cũng chẳng có biện pháp “gò” các ông bầu, các CLB đi vào khuôn phép.

Giờ đây, sau hàng loạt thất bại của các đội tuyển trong những năm vừa rồi, và sau thành công lớn của đội U19, hy vọng rằng những người có liên quan đã tỉnh ra: Không thể có quả ngọt nếu không vun trồng tốt.

Mô hình học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG là mô hình đáng được đánh giá cao. Có thể bầu Đức còn có mục đích khác khi mở học viện, còn có những mục đích khác liên quan đến lợi nhuận khi kết hợp với Arsenal, nhưng chí ít cái học viện do ông Đức lập ra chính là nơi đang làm lợi cho bóng đá Việt Nam.

Mô hình của các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như PVF hay Viettel cũng rất đáng hoan nghênh. Trong khi cả làng cầu nội bỏ bóng đá trẻ để chạy theo bóng đá đỉnh cao vì tên tuổi nhất thời, thì Viettel lại dũng cảm làm ngược lại: Bỏ đội bóng chuyên nghiệp để lui về đổ tiền đào tạo trẻ.

Với PVF, họ sẵn sàng đổ hàng đống tiền mỗi năm để gom cầu thủ, rồi chăm chút từng năm một, nuôi các lứa cầu thủ ấy lớn, dù chưa biết hiệu quả của việc đào tạo trẻ sẽ thu lại những gì.

Dĩ nhiên, bất cứ một doanh nghiệp nào bước vào một lĩnh vực đầu tư cũng tính đến lợi nhuận. Nhưng nếu tính toán lợi nhuận ấy (nếu có) mang lại lợi ích cho thế hệ trẻ thì cách đầu tư như vậy đáng được trân trọng.

Cũng phải cảm ơn các địa phương khác đã góp quân cho đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay như Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định… Đặc biệt là Khánh Hòa, họ không còn đại diện ở sân chơi đỉnh cao, nhưng vẫn làm tốt công tác trồng người, đó là nỗ lực rất lớn của người phố biển.

Giờ đây, không chỉ đã vào VCK châu Á, U19 Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn dự giải vô địch U20 thế giới vào năm 2015 (nếu có huy chương tại VCK châu Á 2014), điều mà nhiều năm trước, có nằm mơ người hâm mộ Việt Nam cũng chẳng thấy.

Mong rằng thành công vang dội của đội U19 Việt Nam vừa rồi sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của những người đang làm bóng đá về tầm quan trọng của bóng đá trẻ.

Kim Điền