1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang

“Thể thao Việt Nam đủ sức cạnh tranh top 3 ở SEA Games 27”

(Dân trí) - Thể thao Việt Nam năm 2013 có nhiệm vụ quan trọng nhất là tham dự SEA Games 27.Xung quanh kế hoạch chuẩn bị cho sân chơi này, cũng như những mục tiêu xa hơn của TTVN, ông Giang có cuộc trò chuyện rất cở mở với Dân trí nhân dịp đầu năm mới.

Đầu tiên, xin được được gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới ông và gia đình. Năm 2013 là năm TTVN sẽ tập trung cho nhiệm vụ SEA Games 27. Theo quan điểm của ông, đây có phải là sân chơi “ao làng” như nhiều người vẫn hay nói?

Tôi cho rằng nhiều người quan niệm chưa đúng về SEA Games. Đây vẫn là sân chơi phù hợp với 11 quốc gia trong Đông Nam Á. Thực tế, nếu so sánh trình độ của VĐV Đông Nam Á (ĐNA) với thế giới, chúng ta vẫn còn thua kém nhiều, nhưng ĐNA cũng tự hào khi có nhiều môn thế mạnh hàng đầu như cầu lông, boxing, bóng bàn...Đây là những môn có rất nhiều nhà vô địch thế giới.

Về điều lệ thi đấu, luật chơi, tôi đồng ý gọi SEA Games là “ao làng”, nhưng nói về góc độ coi thường thì hãy tự soi gương. Nên nhớ, luật chơi của SEA Games mang tính nhân văn rất cao. Trong mỗi lần tham dự SEA Games, không chỉ là tranh tài mà chúng ta hội nhập với bạn bè khu vực, mang đến tình cảm của người dân Việt Nam đến với nước chủ nhà.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang

Như vậy cũng có nghĩa, sân chơi Olympic vẫn quá tầm với TTVN?

Mục tiêu của ngành thể thao là phải hướng tới sân chơi lớn nhất là Olympic, nhưng đến khi nào chúng ta mới có huy chương và phải hiểu rằng chúng ta tham dự Olympic đâu vì tranh vài tấm huy chương ấy?.

Chúng ta đừng ảo tưởng Olympic mới là sân chơi của TTVN, chúng ta đang có rất nhiều môn thể thao dân tộc, nên phải tôn trọng, không được tự coi thường, chạy theo sự mơ hồ, rất xa. Đó là lý do trong chiến lược TDTT đến năm 2020, TTVN đã xác định đầu tư cho 10 môn nhóm 1, 20 môn nhóm 2, giữ vững vị trí thứ 3 SEA Games.

Tại phiên họp Hội đồng ĐNA vừa qua, nước chủ nhà Myanmar đã loại TDDC và đấu kiếm-những môn nằm trong hệ thống Olympic và là thế mạnh của Việt Nam. Ông có cho rằng Myanmar đã chơi không đẹp?

Cần phải đặt câu hỏi là vì sao Myanmar lại cắt giảm hai môn này, dù cả TDDC và đấu kiếm là những môn Olympic.

Myanmar đã tuyên bố không thiếu tiền, sẵn sàng tổ chức một kỳ SEA Games hoành tráng. Đó là tuyên bố mà chưa quốc gia nào dám nói. TDDC Myanmar có nhà thi đấu, trang thiết bị hiện đại, VĐV tập huấn tại Thái Lan. Nhưng, điều lệ ĐNA đã ghi rõ, nước chủ nhà chỉ phải bắt buộc tổ chức 2 môn nhóm 1 là bơi lội và điền kinh, 14 môn nhóm 2. Vì thế, ngay cả Myanmar không tổ chức bóng đá cũng chẳng vi phạm điều lệ và chúng ta cũng không có quyền nói Myanmar đã không chơi fair-play. Thực ra, Việt Nam có thể đứng ra dàn xếp để tổ chức 2 môn này, nhưng cũng chẳng hay ho gì. Hơn nữa, chúng tôi cũng xác định loại bỏ những môn này lâu rồi.

Ông đánh giá thế nào về thành tích của đoàn TTVN tại SEA Games năm nay, khi mà nước chủ nhà vừa cắt giảm 2 môn thế mạnh là TDDC và đấu kiếm?

Chúng ta không bị ảnh hưởng gì nhiều, vẫn có những mỏ vàng như: Wushu, pencak silat, bắn súng, điền kinh, karate, taekwondo, vật, vovinam...Nhìn chung, đây là kỳ SEA Games TTVN không gặp khó khăn lắm, nhưng cũng không hoàn toàn thuận lợi. Chúng ta đủ sức lọt vào tốp 3.
 
TTVN có khá nhiều mỏ vàng ở SEA Games 27

TTVN có khá nhiều "mỏ vàng" ở SEA Games 27

Ông dự đoán thế nào về thứ hạng các đoàn trong tốp đầu?

Với việc đưa vào nhiều môn thế mạnh của mình như cờ, đua thuyền truyền thống, cầu mây cổ điển...Myanmar có thể sẽ giành vị trí số 1. Vị trí thứ 2 và 3 là cuộc tranh chấp của Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.

Xác định thuận lợi và khó khăn, TTVN sẽ chuẩn bị như thế nào cho sân chơi SEA Games?

TTVN se phải chuẩn bị mộc cách “liên thông”. Cụ thể là ta vừa tham dự SEA Games, vừa chuẩn bị lực lượng cho Asiad hay Olympic. Ví dụ những VĐV còn nhỏ tuổi như Anh Khôi (cờ vua), Ánh Viên (bơi)...hoàn toàn có thể chuẩn bị dài hơi cho các sân chơi lớn hơn. Tất nhiên, để 1 VĐV tham dự tất cả các giải là một hành trình vất vả.

Ngay sau SEA Games 27 sẽ là Asiad 2014, rồi 2 năm sau là Olympic 2016, xa hơn là kỳ Asiad 2019 được tổ chức trên sân nhà. Vậy trong năm nay, ngành thể thao sẽ triển khai cụ thể những kế hoạch gì cho những giải đấu lớn trong tương lai?

Asiad là một sân chơi khác hẳn SEA Games hay AIG 3 mà chúng ta tổ chức, vì thế mà cách chuẩn bị cũng phải khác. Tôi đã nói nhiều về kế hoạch chuẩn bị Asiad 2019, trong đó việc xây dựng cơ sở vật chất ăn theo Quy hoạch phát triển của thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Cụ thể là Hà Nội sẽ được đầu tư khoảng hơn 20 tỷ USD, xây mới 7 cao tốc, 13 cây cầu. Ngoài ra còn các khu thể thao quy mô lớn tại Đông Anh, Sóc Sơn, Mỹ Đình và các tỉnh lân cận. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn tự tin tổ chức Asiad 2019.

Về lực lượng, đây lại là vấn đề không phải lo ngại nhất, bởi như tôi nói ở trên, chúng ta đã có những kế hoạch chuẩn bị “liên thông”. Tôi có thể tự tin khẳng định chúng ta sẽ giành 10-15 HCV để lọt vào tốp 10.

Nhân dịp đầu năm mới, là người từng nhiều năm làm công tác quản lý, ông có thể chia sẻ chút cảm xúc về năm Quý Tỵ với độc giả Dân trí?

Năm rắn với thể thao có nhiều ý nghĩa. Con rắn đại diện cho Y học. Con rắn cũng thể hiện sự bình tĩnh. Với vận động của thể thao, là sự mềm dẻo, vượt qua các trở ngại và đặc biệt là khả năng săn mồi, được hiểu là “săn” thành tích, huy chương.

Dịp đầu năm, tôi xin chúc các VĐV tiếp tục tập luyện, thi đấu tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trước mắt là hoàn thành chỉ tiêu tại SEA Games, hướng tới Asiad và Olympic.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

An An thực hiện