1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Nỗi ám ảnh về những "ông vua áo đen" Việt Nam

Lời hứa cùng quyết tâm chỉnh đốn đội ngũ trọng tài của Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi ở cuối lượt đi V-League vẫn chưa được thực hiện triệt để. Trái lại, những tiếng còi nhạy cảm mới đây của trọng tài Phạm Hữu Lộc ở vòng 16 càng khiến người hâm mộ và những người làm bóng đá thêm hoài nghi.

Lượt đi V-League và hạng Nhất 2005 khép lại cũng là lúc BTC giải công bố đã “trảm” 6 trọng tài cùng 5 giám sát: người bị treo còi một trận, người thì bị cấm vô thời hạn. Trong những cuộc gặp mặt với báo giới, ông Dương Nghiệp Khôi, Trưởng BTC giải, đã vạch ra hàng tá phương pháp để nâng cao chất lượng trọng tài, trong đó có việc phân chia trọng tài thành các vùng và bí mật danh sách trọng tài điều khiển các trận đấu, cũng như thành lập Ban điều hành trọng tài thường trực ở Liên đoàn.

 

Nhưng ở lượt về V-League 2005, công tác trọng tài xem ra vẫn không hề có sự tiến triển nào về chất, nếu không muốn nói là tồi tệ thêm.

 

Ở vòng 16 cuối tuần qua, vấn đề trọng tài thực sự trở thành một cơn bão, đổ bộ vào V-League và khiến không ít người làm bóng đá phải lo ngại. Nhiều người đã được chứng kiến màn khẩu chiến trên sân Hàng Đẫy giữa trọng tài Lê Văn Tú và HLV Lê Thụy Hải của Đà Nẵng, xung quanh những lỗi trong cách cầm còi.

 

Đỉnh cao nhất của sự bức xúc chính là HLV Vương Tiến Dũng. Sau thất bại 2-3 của Bình Dương tại Gia Lai, ông thày họ Vương vốn nổi tiếng hiền lành này tức giận nộp 2 triệu tiền "án phí" để khiếu nại về cung cách điều hành của tổ trọng tài điều khiển trận đấu ở sân Pleiku, mà ông Phạm Hữu Lộc là "nhân vật chính", dù biết rằng “có làm vậy cũng chẳng giải quyết được gì”.

 

HLV Tiến Dũng cho rằng chính trọng tài Phạm Hữu Lộc đã bỏ qua, không cho Bình Dương được hưởng 2 quả phạt đền và bóp méo kết quả trận đấu. Điều này có thể khiến đội bóng của ông phải trả giá, lỡ chức vô địch mà Bình Dương đã chờ đợi trong bao năm qua.

 

Ông Dũng còn phát biểu: "Việc phân công trọng tài của trận đấu Bình Dương và HAGL là bất hợp lý, bởi 2/4 thành viên của tổ trọng tài điều khiển trận đấu là người Bình Định, trong khi CLB Bình Định và HAGL có mối quan hệ thân thiết. Chưa kể, ở lượt trận trước, Bình Dương vừa mới thắng Bình Định 1-0". Lý do mà ông Dũng đưa ra không thực sự thuyết phục, nhưng lẽ ra Hội đồng trọng tài nên tránh những tình huống "nhạy cảm" như vậy.

 

Chưa chịu dừng lại ở đó, HLV Vương Tiến Dũng còn xâu chuỗi tất cả những tiếng còi không công tâm của các trọng tài nhằm “dằn mặt” và dạy cho Bình Dương cách “chơi đẹp” và “biết điều”. Ông Dũng liệt kê một loạt sai phạm của trọng tài Phạm Hữu Lộc. Tại vòng 9 V - League 2005, ông Lộc nằm trong số những trọng tài nhận được tin nhắn “lạ” của trọng tài Lương Trung Việt trong “nghi án” môi giới và mua chuộc trọng tài bán độ.

 

Ngược thời gian, trở về quá khứ, ông Lộc luôn được coi là “thần tài” của Thể Công bởi mỗi khi có ông cầm còi, đội bóng quân đội luôn được hưởng những lợi thế nhất định. Đơn cử là ở vòng 2 V-League 2003, trọng tài Hữu Lộc đã bị giải treo còi vì "quá yêu Thể Công" khi cho đội bóng quân đội hưởng một quả 11m trong trận “derby” với Hàng không Việt Nam.

 

Gần đây, ở vòng 17 V-League 2004, ông Lộc cũng bỏ qua pha đánh nguội thủ môn Vũ Dũng (Thể Công) với cầu thủ Boris (Đồng Tháp). Nghiêm trọng hơn, ông còn công nhận bàn gỡ hòa 1-1 của Phương Nam vào lưới Đồng Tháp trong một tình huống khá nhạy cảm.

 

Trái lại, với Ngân hàng Đông Á, ông Lộc lại là "sát thủ". Tại vòng 20 V-League 2004, ông Lộc "lờ" một quả phạt đền của đội bóng TPHCM trong trận đấu với đội chủ nhà Thể Công. Nếu NHĐA được hưởng quả 11m vào thời điểm đó, hy vọng trụ hạng của họ sẽ hồi sinh và Thể Công sẽ là đội rớt hạng đầu tiên.

 

Ở vòng 13 V-League 2001-2002, trong trận đấu giữa CAHP và NHĐA tại Lạch Tray, trọng tài Phạm Hữu Lộc thậm chí còn bị tiền vệ YuXiang của NHĐA đuổi đánh vì có những quyết định gây ức chế.

 

Theo C.T. - Vnexpress