1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“Nếu ham thành tích nhất thời, đội tuyển Việt Nam hãy nhập tịch cầu thủ”

(Dân trí) - Cựu phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm cho rằng để đi đến thành công, cần sự phát triển dài hơi, riêng vấn đề nhập tịch cho cầu thủ ngoại chỉ giải quyết thành tích nhất thời, mà ngay đến Singapore cũng đã bắt đầu tính lại chuyện nhập tịch cho cầu thủ của họ.

“Chỉ giải quyết thành tích trước mắt”

Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển quốc gia vào lúc này theo ông thì nên hay không nên?

Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi chúng ta sử dụng cầu thủ nhập tịch để làm gì? Có thể hiểu khát khao của nhiều người rằng lâu quá rồi bóng đá Việt Nam chưa đoạt HCV SEA Games, chưa có lại ngôi vô địch Đông Nam Á. Đấy là vấn đề về mặt thành tích, còn về lâu về dài việc sử dụng cầu thủ nhập tịch có tốt cho quá trình phát triển chung của toàn bộ nền bóng đá hay không lại là chuyện khác.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề trên?

ông Dương Vũ Lâm (trái) cho rằng việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ giải quyết thành tích trước mắt (ảnh: Trọng Vũ)
ông Dương Vũ Lâm (trái) cho rằng việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ giải quyết thành tích trước mắt (ảnh: Trọng Vũ)

Tôi lấy ví dụ Singapore trước đây họ sử dụng cầu thủ nhập tịch một cách ồ ạt. Thành tích nhất thời thì đúng là Singapore có, nhưnng cũng chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Dần dần, người Singapore nhận ra rằng họ rốt cuộc cũng không thể vượt Thái Lan cho dù họ sử dụng cầu thủ nhập tịch. Giờ thì bóng đá Singapore đã thay đổi chính sách, hướng về việc đào tạo nguồn lực tại chỗ nhiều hơn, không sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt nữa.

Ông vừa nhắc đến Thái Lan, nền bóng đá số 1 Đông Nam Á định hướng phát triển đội tuyển của họ như thế nào, thưa ông?

Khâu đào tạo nguồn lực nội tại vẫn là quan trọng nhất. Thái Lan cũng dùng những cầu thủ trưởng thành từ nước ngoài, như Chappuis (có quốc tịch Thuỵ Sĩ), hay Tristan Do (quốc tịch Pháp), nhưng họ là những cầu thủ có nguồn gốc Thái Lan, nên không xa lạ với nền văn hoá của nước Thái, dễ dàng hoà nhập và dễ đồng cảm với các đồng đội người Thái.

Philippines cũng là một trường hợp tương tự. Chúng ta đừng lầm lẫn rằng đội tuyển Philippines có nhiều cầu thủ da trắng, có tên nước ngoài, là cầu thủ ngoại. Những cầu thủ đấy họ có nguồn gốc Philippines, có cha hoặc mẹ là người Philippines nhưng được sinh ra tại nước ngoài, giờ họ quay trở lại khoác áo đội bóng quê cha đất tổ, chứ không phải là những người xa lạ với văn hoá Philippines.

Cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson có thể hơn cầu thủ nội nhờ thể hình, sức mạnh, nhưng khi đá các giải quốc tế, cầu thủ này cũng chỉ bình thường (ảnh: Trọng Vũ)
Cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson có thể hơn cầu thủ nội nhờ thể hình, sức mạnh, nhưng khi đá các giải quốc tế, cầu thủ này cũng chỉ bình thường (ảnh: Trọng Vũ)

“Tận dụng cầu thủ Việt kiều”

Tức là theo ông, có sự khác nhau giữa cầu thủ mang nguồn gốc bản xứ với cầu thủ nhập tịch mang gốc ngoại hoàn toàn?

Khác nhau nhiều chứ! Một ví dụ khác, đội tuyển Nhật thỉnh thoảng có sử dụng cầu thủ mang tên Brazil, nhưng đấy là những người gốc Nhật, có tổ tiên là người Nhật sống Brazil, về khoác áo đội tuyển quê cha, quê mẹ. Cộng đồng người Nhật tại Brazil rất lớn, những người gốc Nhật sinh ra ở Brazil cũng mang một phần văn hoá Nhật, nên họ dễ hoà nhập.

Nếu như bóng đá Việt Nam tận dụng những người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, tại Australia, tại Đông Âu, nơi những cộng đồng người Việt rất lớn, thì đấy là điều quá tốt. Những cầu thủ Việt kiều sinh ra trong những gia đình có người gốc Việt ít nhiều sẽ được thẩm thấu văn hoá Việt từ nhỏ, nên họ hiểu thế nào bản sắc quê hương, họ dễ hoà nhập với môi trường ở quê cha đất tổ, trong đó bao gồm cả việc hoà nhập trong thể thao, trong bóng đá, dễ hoà nhập với bản sắc của đội tuyển Việt Nam.

Những cầu thủ Việt kiều như thủ môn Đặng Văn Lâm cần được tận dụng (ảnh: Trọng Vũ)
Những cầu thủ Việt kiều như thủ môn Đặng Văn Lâm cần được tận dụng (ảnh: Trọng Vũ)

Đặt trường hợp chúng ta sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt như đòi hỏi của một bộ phận dư luận thời gian qua, chúng ta có thể có thành tích mà chúng ta đang tìm kiếm?

Cũng chỉ là thành tích nhất thời! Thứ nhất, các cầu thủ gốc ngoại khi nhập tịch Việt Nam hầu hết đã lớn tuổi, không còn ở đỉnh cao phong độ thêm bao nhiêu năm nữa. Thứ nhì, họ cũng chưa phải là những cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ, nên chuyện họ có tạo ra sự chuyên nghiệp trong sinh hoạt cho các đồng đội người Việt xung quanh học hỏi hay không là điều nên xem lại.

Thứ ba là về yếu tố khán giả, chúng ta hay thắc mắc HA Gia Lai vì sao đông người xem, dù thành tích của đội này tầm thường thôi, trong khi nhiều đội khác ở V-League chẳng mấy người xem, dù đầy cầu thủ ngoại. Đấy là vấn đề bản sắc, HA Gia Lai đá dở hay đá hay thì đấy vẫn là bản sắc của đội này, giúp thu hút khán giả, còn nhiều đội khác chỉ đơn thuần dùng cầu thủ ngoại đá theo kiểu “lấy thịt đè người”, không có chất riêng nên người xem cũng nhàm.

Có nghĩa là việc sử dụng nhập tịch chưa chắc được người hâm mộ ủng hộ hoàn toàn?

Ủng hộ hay không tuỳ quan điểm của từng người, nhưng rõ ràng hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau. Tôi chỉ đưa ra những ví dụ thông qua thực tế, Thái Lan vẫn là thế lực hàng đầu Đông Nam Á, đang hướng ra châu Á với nền tảng là các cầu thủ nội được đào tạo bài bản, cộng với những cầu thủ Thái kiều có tâm huyết với bóng đá Thái, chứ họ không sử dụng cầu thủ nhập tịch ồ ạt. Indonesia hiện cũng vậy.

Rồi mục tiêu của chúng ta là vươn ra châu Á, mà ở giải châu Á, dù chỉ là giải hạng thấp (AFC Cup), dù chỉ đá với một số đội trong khu vực, như khi đá với Anab (Philippines), Hà Nội T&T cùng cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson còn thua liểng xiểng, riêng Samson còn bị đuổi, thì cũng chưa chắc nếu sử dụng cầu thủ nhập tịch, bóng đá Việt Nam sẽ vươn ra châu Á như chúng ta kỳ vọng!

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“Nếu ham thành tích nhất thời, đội tuyển Việt Nam hãy nhập tịch cầu thủ” - 4