1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Một năm của HLV Miura với bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - HLV Miura đến với đội tuyển bóng đá Việt Nam trong bối cảnh 1 năm trở về trước chẳng có mấy người quan tâm. 1 năm sau thì ngay cả buổi tập của đội cũng có 7.000-8.000 người xem. Chỉ 1 năm, đội tuyển giờ trở lại với nhóm đầu Đông Nam Á.

Không mới nhưng bị lãng quên

Người ta vẫn nói trong phong cách huấn luyện của HLV Miura có phảng phất hình bóng của HLV Calisto. Đó là vị HLV người Nhật có thể nhìn thấy những tài năng, hoặc khả năng khác của cùng một cầu thủ, mà nhiều HLV khác không nhìn thấy.

Đội tuyển do HLV Miura xây dựng là đội tuyển giàu tính chiến đấu, mạnh mẽ về mặt thể lực. Những bài tập mà ông áp dụng cho đội tuyển cũng nặng về việc nâng cao thể lực cho các cầu thủ, dùng thật nhiều trận giao hữu để xáo tung đội hình, tìm phương án tối ưu, chứ không đơn thuần chỉ quan tâm đến những bài tập chiến thuật.

Ông Miura cũng giống như Calisto ở chỗ họ nắm đội tuyển trong bối cảnh mà họ bị nghi ngờ về mặt năng lực, cầu thủ mà họ gọi vào đội tuyển cũng bị nghi ngờ về khả năng chuyên môn, nhưng kết quả lại nói thay tất cả.

Vị HLV người Nhật gọi rất nhiều cầu thủ mới, rất nhiều cầu thủ U19 lên tuyển. Ông sẵn sàng cho họ cơ hội, nhưng buộc họ phải cạnh tranh, chứ không xếp sẵn chỗ cho những cầu thủ này. Điều đó buộc từng cầu thủ phải cố gắng, còn người xung quanh có cảm giác bồn chồn, điều đó kích thích tính cạnh tranh, rồi từng cầu thủ cũng đỡ bị ức chế nhờ mọi thứ đều sòng phẳng.

Một năm của HLV Miura với bóng đá Việt Nam
Chỉ 1 năm đến với bóng đá Việt Nam, HLV Miura đã giúp cho các đội tuyển có vị thế khác hẳn (ảnh: Gia Hưng)

Các đội tuyển của HLV Miura luôn là đội tuyển mở, không ai chắc suất đá chính, cũng không có dạng ngôi sao trong đội tuyển, hệt như cách Calisto cầm quân ngày trước.

Điều đó có nghĩa là phương pháp của vị HLV người Nhật chưa hẳn là phương pháp mới, so với những gì mà HLV Calisto bắt đầu làm 13 năm trước ở AFF Cup 2002. Tuy nhiên, vấn đề là những người làm công tác quản lý không biết cách kế thừa chất xám của HLV Calisto từng để lại, mà ngay chính những vị đứng đầu VFF từng có lúc muốn “đóng khung” các đội tuyển.

Thay đổi diện mạo đội tuyển quốc gia

1 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, chắc chắn HLV Miura không thể làm thay công việc vốn phải mất hàng chục năm đào tạo, đó là thay đổi chất lượng cầu thủ Việt Nam vốn đang đi xuống. Nhưng cái chính là vị HLV người Nhật biết cách đánh thức tiềm năng ở từng cầu thủ, mà những người tiền nhiệm trước ông không làm được.

Bóng đá Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi chắc chắn cũng chưa thay đổi được đẳng cấp so với tầm châu lục. Nhưng từ chỗ thua tan tác ở vòng loại Asian Cup 2015 dưới thời các HLV Hoàng Văn Phúc và Nguyễn Văn Sỹ, đội tuyển Olympic Việt Nam khi dự Asiad 17 thậm chí còn đánh bại cả Olympic Iran để vào vòng knock-out của giải đấu này.

Cái chính là HLV Miura truyền được niềm tin cho các cầu thủ, ông buộc họ phải nghiêm túc với nghề của mình, nó khác hẳn với kiểu tâm lý chưa ra sân đã muốn buông bỏ, tâm lý thua từ trong tư tưởng của cầu thủ nội khi dự các giải tầm châu lục trở lên.

Và 1 năm trước, thật tình là các đội tuyển bóng đá Việt Nam không được mấy ai quan tâm, không mấy ai tin tưởng, kể các một vài quan chức làm công tác điều hành bóng đá nội. Nhưng 1 năm sau kể từ ngày HLV Miura xuất hiện, chỉ cần một trận đấu tập của đội tuyển Olympic với một CLB trong nước đã có đến 7.000 – 8.000 khán giả đến sân.

Cái tên Miura giờ đã trở thành thương hiệu, những đội tuyển do ông dẫn dắt giờ cũng đã là thương hiệu trong làng cầu Đông Nam Á, được khu vực quan tâm. Điều đấy sẽ giúp cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam mang một tâm thế khác khi dự các giải đấu quốc tế, sẽ tự tin hơn hẳn. Đấy cũng là thay đổi quan trọng nhất mà vị HLV người Nhật làm được sau 1 năm đến Việt Nam.

Nhưng như đã nói ở trên, những gì mà HLV Miura làm chưa chắc đã là phương pháp mới, chẳng qua chúng ta không biết kế thừa “chất xám” mà một số HLV giỏi từng thực hiện trước đó. Thành ra, sẽ là không thừa nếu ngay từ bây giờ, những quản lý nền bóng đá nghĩ đến chuyện kế thừa những di sản và phương pháp mà HLV Miura để lại, phòng khi ông ra đi (mà ngày này thì sớm muộn gì cũng tới). Thay vì cứ hễ mỗi lần thay HLV là mỗi lần xóa sạch để xây lại từ đầu.

Trọng Vũ