1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Lứa U19 đã hòa nhập như thế nào với Olympic Việt Nam?

(Dân trí) - Một trong những chủ đề rất được quan tâm là lứa U19 năm ngoái hòa nhập như thế nào với phần còn lại của đội tuyển Olympic? Câu trả lời nhìn từ trận đấu với Indonesia đó là cầu thủ phòng ngự đang thích nghi tốt hơn cầu thủ có thiên hướng tấn công.

Cầu thủ phòng ngự hòa nhập nhanh hơn cầu thủ tấn công

Tổng cộng có 5 cầu thủ thuộc đội U19 Việt Nam năm ngoái được sử dụng trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam với Olympic Indonesia. Trong số này, có 5 người thuộc CLB HA Gia Lai (riêng trung vệ Tiến Dũng dù thuộc đội U19 năm ngoái, nhưng lại không phải người do HA Gia Lai đào tạo, còn thủ môn Văn Tiến dù thuộc HA Gia Lai, nhưng lại không khoác áo đội U19 năm ngoái).

Điều dễ nhận thấy là những cầu thủ chơi ở hàng phòng ngự có vẻ như đang hòa nhập tốt hơn so với những cầu thủ đang đá trên hàng tấn công.

Thủ môn Văn Tiến và trung vệ Tiến Dũng chơi đủ cả trận, không mắc lỗi đáng kể. Nhưng như đã nói ở trên, Tiến Dũng không phải là sản phẩm của học viện HAGL-Arsenal.JMG (Tiến Dũng được Viettel đào tạo), nên anh dễ thích nghi hơn với các trường phái khác, so với những đồng đội khác từng khoác áo U19 Việt Nam.


Lứa U19 đã hòa nhập như thế nào với Olympic Việt Nam?
Những pha đi bóng của Công Phượng hầu như không thể làm khó cho những hàng thủ biết... phòng ngự (ảnh: Gia Hưng)

Thủ môn Văn Tiến càng không phải là sản phẩm của học viện thuộc sở hữu của bầu Đức, bởi HAGL-Arsenal.JMG không có chức năng đào tạo thủ môn, nên giống như Tiến Dũng, Văn Tiến dễ thích nghi với môi trường mới.

Văn Sơn chơi tạm, đá được 1 hiệp. Tuấn Anh cũng chơi tạm được. Đặc biệt, người ta thấy cách mà cầu thủ này rất chịu khó thu hồi bóng chính là cách anh muốn làm quen với môi trường mới, thay cho kiểu cứ xồng xộc lao lên phía trước mà quên mất tuyến sau như ở HA Gia Lai. Văn Sơn và Tuấn Anh là những cựu tuyển thủ U19 Việt Nam, đúng nhãn hiện HA Gia Lai, và cả 2 đều có chút nhiệm vụ gọi là phòng ngự ở Gỗ.

Riêng 2 tiền đạo Văn Toàn và Công Phượng mỗi người đá 1 hiệp và hoàn toàn lạc lỏng giữa lối chơi chung của toàn đội. Điểm chung của cả 2 là đá quá lắt nhắt, lạm dụng kỹ thuật cá nhân, và luôn giữ bóng lâu hơn mức cần thiết.

Lứa U19 đã hòa nhập như thế nào với Olympic Việt Nam?
Tuấn Anh tỏ ra khá hơn, sẵn sàng hỗ trợ phòng ngự và sẵn sàng phạm lỗi chiến thuật để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống phòng thủ (ảnh: Gia Hưng)

Có cơ hội nhưng chưa biết tận dụng

Cũng không phải ngẫu nhiên mà lứa U19 năm ngoái, nhất là những cầu thủ xuất thân từ CLB HA Gia Lai, các cầu thủ có thiên hướng phòng ngự dễ thích nghi với môi trường mới hơn là những cầu thủ có thiên hướng tấn công.

Điều này xuất phát từ chính cách xây dựng lối chơi, chính cách xây dựng lực lượng của CLB này. Chưa ai khen các hậu vệ của HA Gia Lai thủ hay trong suốt giai đoạn đã qua của V-League. Dù vậy thì so với những cầu thủ ở tuyến trên, cách chơi bóng của những cầu thủ phòng ngự ở đội bóng phố núi cũng đơn giản hơn. Mà bóng đá hiện đại, cũng như lối chơi mà HLV Miura đang xây dựng, cầu thủ phòng ngự đá càng đơn giản càng tốt.

Riêng những cầu thủ tấn công của HA Gia Lai, của lứa U19 năm ngoái đã thể hiện tại V-League 2015 như thế nào thì có lẽ không cần phải nói thêm. Công Phượng, Văn Toàn giàu kỹ thuật thật đấy. Nhưng nếu chất kỹ thuật không phải để phục vụ lối chơi chung của toàn đội thì kỹ thuật đấy liệu có còn nhiều ý nghĩa?

Đấy là chưa kể Văn Toàn vốn đã không phải là tiền đạo hay, sự xuất hiện của Văn Toàn ở đội Olympic vốn đã gây nhiều tranh cãi. Giá trị của một tiền đạo nằm ở số bàn thắng mà tiền đạo ấy ghi được. Văn Toàn hầu như trận nào cũng ra sân ở V-League, nhưng số bàn thắng mà anh hiện có vẫn dừng ở con số… 0. Thậm chí, có nhiều trận, theo thống kê, Văn Toàn không dứt điểm lần nào.

Làm gì có khái niệm “tiền đạo chuyên chạy chỗ” như Văn Toàn đang chơi ở HA Gia Lai. Chẳng qua là vì không biết ghi bàn, vì không biết cách chọn vị trí để dứt điểm, nên cầu thủ này hay chạy… loanh quanh đấy thôi!

Riêng với Công Phượng, cách chơi bóng ở HA Gia Lai đang ngày càng khiến cho cầu thủ này thiếu… hiện đại. Công Phượng quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, trong khi ở hơn 1 năm nay ở đội U19 và ở CLB, không ai biết nhắc hoặc không ai dám nhắc nhở cầu thủ này.

Để giờ Công Phượng bê nguyên si lối chơi rườm rà ấy lên đội tuyển Olympic, rồi lạc lỏng giữa các đồng đội mới, lạc lỏng trước lối chơi áp sát của những hàng phòng ngự vốn không còn nơn nớt như khi đá ở lứa U19.

Mong rằng HLV Miura sẽ chỉ ra cho Công Phượng và các đồng đội thấy đâu là khác biệt giữa bóng đá trẻ và bóng đá hiện đại? Để họ hòa nhập tốt hơn!

Kim Điền